Hành động của Trung Quốc - Vô đạo và vô lý!
(Dân trí) - Hành vi xâm chiếm trái phép Hoàng Sa năm 1974, đảo Gạc Ma (Trường Sa) 1988 hay những vụ việc gây hấn khác mà gần đây nhất là vụ đặt giàn khoan tại Hoàng Sa của Trung Quốc là hành động vô đạo và vô lý...
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất kiên quyết: “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn”.
Có thể nói với cách hành xử vừa qua, Trung Quốc đã tự tay xé toạc 16 chữ vàng mà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết, làm lộ nguyên hình dã tâm với đất nước ta. Với họ, sự hòa hoãn chỉ là cái tạm thời và âm mưu thôn tính thì mãi mãi.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an phát biểu trên VTV ngày 11/5, hành động trên của Trung Quốc đã thể hiện sự vô đạo và vô lý.
Nói không có đạo lý bởi vì những người lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên nói rằng Trung Quốc cam kết thực hiện tốt, đầy đủ nhất luật pháp quốc tế, rằng Trung Quốc không can thiệp vào nội bộ của ai, không xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ai cả.
Điều này còn được chính Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2011.
Thế nhưng họ đã làm ngược lại với những gì họ đã cam kết, đã tuyên bố. Đó là một hành động vô đạo!
Nói vô lý bởi về mặt lịch sử văn hóa, Việt Nam có đầy đủ cơ sở vè chủ quyền hai quần đảo này. Trong khi đó, 24 bộ sử (suốt 5.000 năm lịch sử) của Trung Quốc, không có bộ sử nào nói quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc triều đại phong kiến Trung Quốc, từ thời Hán tới Tống, Minh, Thanh cũng không có bản đồ nào triều đại phong kiến nào vẽ khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa thuộc Trung Quốc.
Về mặt pháp lý, Trung Quốc nói rằng họ có sơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa là hoàn toàn phi lý. Trong thế kỷ 20, chỉ có 2 sự kiện pháp lý có liên quan tới chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa.
Thứ nhất, Hội nghị ở San Francisco (Mỹ) năm 1951 với sự tham gia của 51 quốc gia đã bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Sự kiện thứ 2 là năm 1954, khi Hiệp định Geneva được ký kết, Điều 4 của Hiệp định xác định rõ: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý vùng biển đảo phía Bắc vĩ tuyến 17, Việt Nam Cộng hòa quản lý phía Nam vĩ tuyến 17 bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Lưu ý rằng, Hiệp định Geneva 1954, Chính phủ Việt Nam nhờ Trung Quốc khởi thảo. Trong tối 21/7/1954, tại cuộc họp có sự tham gia của hầu hết các cường quốc (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc) và nhiều nước khác đã cùng xác nhận sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được quốc tế bảo hộ thông qua Hiệp định đình chiến 20/7 giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Pháp.
Trung Quốc tham gia ký kết vào văn kiện trên tức là đồng nghĩa việc họ thừa nhận quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!