Hành động của họ là “tiếp tay”, “nối giáo cho giặc”!
(Dân trí) - Trốn khỏi nơi cách ly. Nhờ người đi cách ly thay. Không khai báo hoặc khai báo không trung thực… chính là lỗ hổng, đã xóa đi mọi nỗ lực trong công cuộc phòng chống dịch COVID 19.
Những ngày qua, dư luận lại một lần nữa bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hành vi gian dối của bệnh nhân 178.
Theo báo Dân trí, bệnh nhân này là nhân viên cung cấp thức ăn tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi có triệu chứng, bệnh nhân đã về quê (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) khám bệnh và tại đây, bệnh nhân đã không khai báo trung thực dẫn đến những kết luận không chính xác.
Do có lịch sử di chuyển tương đối phức tạp và khai báo ban đầu không trung thực nên việc rà soát, xác định những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn.
Hiện, hàng trăm người tiếp xúc với bệnh nhân 178 đã được cách ly gồm 8 bệnh nhân cùng phòng, 12 cán bộ của Bệnh viện đa khoa Đại Từ, 19 người đi cùng chuyến xe, lái xe ôm đưa bệnh nhân vào bệnh viện và 1 người bán hàng tại xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương).
Ngoài ra, qua rà soát, đến nay đã xác định được trên 180 người có tiếp xúc vòng 2 với bệnh nhân số 178 và hiện được yêu cầu cách ly tại gia đình.
Cùng thời điểm này, một đối tượng ở Hà Nội đã trốn cách ly để bay sang Anh khiến chính quyền địa phương phải tổ chức lên tận sân bay “bắt” về. Một thanh niên ở Kiên Giang nghiện ma túy cũng trốn khỏi nơi cách ly về nhà chỉ vì nhớ vợ…
Vì sao dù đã được tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Dù dư luận đã lớn tiếng ảnh báo và lên án, thậm chí, có những người thân của đối tượng đã phải trả giá khá đắt… Song, những sự việc như trên vẫn tiếp tục xảy ra. Vì sao vậy?
Lý do thì nhiều. Ví như sự yếu kém về nhận thức, việc giám sát của địa phương thiếu chặt chẽ, bản thân họ thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội…
Song, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là việc xử lý chưa nghiêm theo qui định của pháp luật dẫn đến không đủ sức răn đe.
Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 qui định, nếu đối tượng nằm trong diện cách ly không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5.000.000-10.000.000 đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Trong trường hợp dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác, sẽ bị xử lý hình sự và bị phạt tiền 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017), thậm chí tới 10 12 năm…
Như vậy theo qui định, đặc biệt là trong tình hình hiện nay thì các đối tượng vi phạm để lây sang người khác phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các đối tượng bỏ trốn hay nhờ người đi cách ly phải bị xử phạt hành chính ở mức cao nhất.
Tiếc rằng cho đến nay, được biết mới chỉ có đối tượng trốn sang Anh và đối tượng ở Kiên Giang bị phạt “nóng”.
Các đối tượng như bệnh nhân 17, 34, 178… dù đã làm lây sang người khác, song chưa thấy bị xử lý hình sự.
Có thể trước mắt, do họ là bệnh nhân nên chưa khởi tố đối tượng thì cũng cần khởi tố vụ án với những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.
Xin một lần nữa nhắc lại, nhân nhượng lúc này không chỉ phá đi thành quả của Nhà nước và Nhân dân mà còn là hành vi tự sát cộng đồng.
Được biết tại cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương vào sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý nghiêm bệnh nhân 178 do khai báo thiếu trung thực.
Ngày 30/3, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã ký văn bản gửi Chánh án TAND các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc toà án hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Đây là điều cần thiết bởi nếu coi “dịch” như “giặc” thì chính họ, dù vô tình hay cố ý đã “tiếp tay”, “nối giáo cho giặc” hủy hoại cộng đồng!
Bùi Hoàng Tám