Hà Nội – Liệu có công khai người chạy chức, chạy quyền?

(Dân trí) - Một phát ngôn ồn ã tưởng đã “chìm xuồng”, tác giả của câu nói chạy công chức không "dưới 100 triệu đồng” ngỡ “lâm nguy” vì phát ngôn bừa bãi, làm xấu hình ảnh công chức Thủ đô thì giờ đây, nó được chính Bí thư Thành ủy nhắc lại với nội dung tương tự.

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 
Tại phiên họp HĐND thành phố Hà Nội ngày 7/12/2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực phát biểu: “Bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn chạy vào đâu? Đó là chỗ trưởng phòng nội vụ các quận huyện... Nói đến đó là việc rất đau lòng của thành phố chúng ta, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”.
 
Thế nhưng bẵng đi hơn 4 tháng (7/12/2012 – 12/4/2013), cho đến nay, cả TP. Hà Nội vẫn chưa tìm ra bất cứ một “công chức trăm triệu” nào. Thực ra thì có thời điểm, người ta tưởng đã tìm ra ở một huyện ngoại thành Hà Nội (Hà Tây cũ) nhưng rồi sau đó nghe nói không có cơ sở, nó chỉ là... tin đồn.
 
Và nếu là tin đồn thì rất nguy cho ông Dực bởi một vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy không thể phát biểu trước Hội đồng nhân dân về một sự việc không có thật. Vì vậy, hoàn toàn có thể ông Dực bị kỉ luật bởi phát ngôn bừa bãi, làm xấu hình ảnh công chức và quan chức Thủ đô.
 
Tuy nhiên rất may cho ông Dực là gần đây, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trong một bài phỏng vấn của báo chí đã khẳng định không chỉ có chạy chức mà còn chạy bằng cấp, chạy khen thưởng…
 
Bí thư Thành ủy còn cho biết: “Thời gian qua, những người sống trong bộ máy thấy được tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm một cách rõ rệt”.
 
Đây là một thông tin rất đáng phấn khởi bởi thứ nhất, tình trạng chạy chức, chạy quyền đáng lo ngại bấy lâu nay, theo Bí thư Thành ủy là đã “giảm một cách rõ rệt”.
 
Thứ hai, tình trạng chạy chức, chạy quyền là có thật chứ không chỉ là dư luận và phát biểu của Chánh thanh tra Thành ủy Trần Trọng Dực là chính xác chứ không phải “tin đồn”.
 
Thứ ba, điều cực kỳ quan trọng là lãnh đạo Thủ đô đã biết rất rõ thực trạng đó là như thế nào, thậm chí có thể còn biết trước đó có bao nhiêu vụ chạy chức, chạy quyền và hiện nay còn bao nhiêu vụ nữa.
 
Khi đã dùng đến phép so sánh “tăng – giảm” tức là phải có các số liệu để so sánh chứ không thể nói theo cảm tính vu vơ và thậm chí là với số nhiều bởi nếu một vài vụ thì không mấy ai lại nói “giảm một cách rõ rệt”. Nhất là với Bí thư Phạm Quang Nghị, một nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Thủ đô Hà Nội.
 
Trong thư gửi về tòa soạn báo Dân trí, một độc giả đã viết: “Hôm nay thấy báo chí trích đăng nhận xét của Bí thư Hà Nội rằng “tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm một cách rõ rệt", mình chợt thấy… mắc cười quá. Vì trước đó khi có thông tin về “chạy chức 100 triệu ở Hà Nội”, báo chí đưa tin um xùm, dân nói là "chuyện thường ngày ở huyện". Rồi Hà Nội tổ chức kiểm tra đánh giá… cái gì đó hổng (không - NV) biết và quả quyết rằng không có chuyện chạy chức đâu, đó chỉ là "tin đồn"! Vậy mà hôm nay lại nói hiện tượng chạy chức giảm rõ rệt, liệu có mâu thuẫn không? Nói là giảm, có nghĩa là hiện vẫn đang có hiện tượng chạy chức và các bác cũng biết ạ?  Vậy sao không xử lý và nêu tên cụ thể ạ?”.
 
Có lẽ không chỉ bạn đọc trên hay các công dân Hà Nội nói riêng mà nhân dân cả nước đều có mong muốn lãnh đạo Hà Nội “chỉ mặt, đặt tên” những cán bộ, công chức chạy chức, chạy quyền theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, phải không các bạn!

 

 

Bùi Hoàng Tám

      

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!