1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bí thư Hà Nội: Xử lý nghiêm nạn "chạy" chức

(Dân trí) - "Không chỉ chạy chức mà còn chạy bằng cấp, chạy khen thưởng… Để khắc phục tình trạng này quan trọng nhất phải bắt đầu từ những cơ chế, biện pháp chung để người muốn chạy không thể chạy được. " - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao đổi.

Kết quả điều tra xã hội học về thực hiện cải cách hành chính tại 5 Sở Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch đầu tư, Tài chính của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho thấy, tình trạng cán bộ thiếu “nhiệt tình” với công việc vẫn ở mức cao. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trao đổi với báo chí về tình trạng này. 

Kết quả điều tra về cải cách hành chính ở 5 sở của Hà Nội cho thấy tỷ lệ cán bộ “nhiệt tình” với công việc, với dân chưa được cao?

Công bằng mà nói cái này có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thứ nhất quy mô công việc, thu ngân sách và doanh nghiệp của Hà Nội lớn hơn rất nhiều so với tỉnh khác. Hơn nữa, văn bản cơ chế chính sách của ta vừa nhiều, chồng chéo lại hay thay đổi. Trong khi đó cán bộ còn lúng túng trong thực thi công vụ, do vậy, nếu họ không dám chịu trách nhiệm, không dám ghé vai gánh vác với doanh nghiệp thì người dân phải chờ hướng dẫn, chờ khớp nối... Từ cái chậm trên, doanh nghiệp tìm cách “bôi trơn” để làm cho nhanh. Thế nhưng không phải ai cũng được cả. Trong 10 người tham gia 1 dự án, chỉ có 1 người thắng thầu, 9 người “bôi” nhưng không “trơn” phẫn nộ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Về chủ quan, cũng không thể né tránh ý thức tinh thần trách nhiệm, tiêu cực nhũng nhiễu làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề. Những cái đó phải sửa đồng bộ, không thể duy ý trí. Việc sửa này sẽ thực hiện từng nơi, từng người. Với cá nhân, tập thể, địa chỉ nào vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý trước.

Không chỉ doanh nghiệp chạy dự án bằng cách “bôi trơn”, nhiều người còn nhắc đến tình trạng chạy chức, chạy quyền cũng phức tạp không kém?

Không chỉ chạy chức mà còn chạy bằng cấp, chạy khen thưởng… Tình trạng này trong Nghị quyết Trung ương 4 cho đây là một trong những biểu hiện cụ thể của sự sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Để khắc phục tình trạng này quan trọng nhất phải bắt đầu từ những cơ chế, biện pháp chung để người muốn chạy không thể chạy được. Đương nhiên sự tự giác của mỗi người là cần thiết, như phía lãnh đạo không để người ta chạy mình, còn người muốn chạy phải phấn đấu bằng năng lực, bằng chất lượng công việc.

Tình trạng trên đã được Hà Nội khắc phục thế nào thưa ông?

Thành phố không loại trừ bất kỳ trường hợp nào, nếu phát hiện sai phạm đều phải xử lý thật nghiêm. Thời gian qua, những người sống trong bộ máy thấy được tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm một cách rõ rệt. Hơn nữa, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm trong thời gian tới sẽ làm cho những ai có ý muốn chạy cũng khó đi xin phiếu được tất cả mọi người. Lãnh đạo cũng không dám bổ nhiệm người tín nhiệm thấp.

Riêng những cán bộ thiếu “nhiệt tình” trong công việc, với nhân dân Hà Nội sẽ có hướng xử lý thế nào?

Sắp tới Hà Nội sẽ có cuộc họp chuyên đề về vấn đề này. Để khắc phục điều đó cần nhiều giải pháp khác nhau như cơ chế chính sách, tiền lương… để khuyến khích người tốt, cùng với đó là việc xử lý nghiêm người sai. Từ đó để người tốt càng tốt lên; người sai không sai nữa.
 
Xin cảm ơn ông!

Trúc Linh