“Gốc” tham nhũng ở đâu?
(Dân trí) - “Dù xử hết đại án này đến đại án khác, kỷ luật cán bộ đủ các cấp… vẫn mới là “chặt” phần ngọn của tham nhũng. Sẽ còn chật vật lắm để xử lý tham nhũng, nếu chưa chống được chủ nghĩa quan liêu”…
Nhận định của PGS.TS Trần Hậu - Uỷ viên Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường khi góp ý dự thảo báo cáo công tác xây dựng Đảng, thi hành điều lệ Đảng rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Ông Hậu cho rằng, nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu.
“Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan, duy ý chí, gia trưởng, phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm... Đó là mảnh đất dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí. Do vậy để chống tham nhũng tận gốc, cần phải chống chủ nghĩa quan liêu, chống chính sách và cơ chế quan liêu, chống tác phong lãnh đạo và quản lý quan liêu” - ông Hậu nhận định.
Nhưng “quan liêu” là gì?
Trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr.88 - 90 có nêu một số biểu hiện của “chứng bệnh” này ấy là chỉ biết dùng mệnh lệnh, “chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra”, là “nói một đường làm một nẻo”, là “chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí”…
Một vẻ quan liêu nữa là “chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”.
Như vậy, kể ra thì “quan liêu” vẫn còn đâu đó quanh đây, rất gần, rất quen và… khó loại bỏ.
Dù quan liêu chưa phải là tham nhũng, nhưng đúng như TS Trần Hậu phân tích, đó là môi trường, là mảnh đất dung dưỡng tham nhũng.
Chẳng nói đâu xa, cứ ở cơ quan thấp nhất, gần dân nhất, kể cả khi đã nỗ lực “một cửa” hay “điện tử hoá” thì cũng khó mà tránh khỏi tình trạng “hành là chính” mỗi khi người dân, doanh nghiệp đi làm thủ tục hành chính. Gọi là tuân thủ theo quy trình mà lắm lúc ở tâm thế quỵ luỵ của người đi “xin” để chờ “ban”, “phát”. Tham nhũng ở cấp này gọi là “tham nhũng vặt”
Ông Hậu cho rằng, cần chú trọng ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt vì nói là “vặt” nhưng ảnh hưởng, hậu quả của những chuyện “vặt” này không hề vặt, để tích tụ lâu ngày sẽ thành vấn đề lớn với cả xã hội, trong khi chưa có công cụ hữu hiệu hơn về pháp luật để đối phó với tệ “sâu mọt” này.
Như vậy, nói gần nói xa thì dù tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn cũng nằm ở vấn đề tuân thủ pháp luật, thái độ trước pháp luật của cán bộ, đảng viên.
Về luật thì thực tế chúng ta không thiếu luật. Nhưng lâu nay lại xảy ra tình trạng “nhờn luật”, “khinh luật” là bởi chế tài pháp luật chưa đủ mạnh hay có kẽ hở trong luật, có bao che, nể nang trong thực thi pháp luật? Vì không bám vào luật nên quan liêu và do có quan liêu nên coi thường luật.
Thế mới nói, dẫu đã có nhiều đại án được đưa ra xử lý, nhiều cán bộ (kể cả cấp cao) bị xử lý nhưng tham nhũng vẫn còn.
Mặt khác, TS. Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội góp ý rằng, để cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục phát triển ở bước cao hơn, cần đưa vào văn kiện Đại hội Đảng chủ trương mở rộng, tăng cường vai trò của cơ quan điều tra trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông phân tích, tại Singapore, người bị điều tra tham nhũng, dù chưa thành án nhưng cơ quan điều tra có quyền yêu cầu giải trình về tài sản, giải trình không được thì lập tức bị kê biên tài sản đó, chờ thành án sẽ xử lý. Còn tại Việt Nam hiện nay, các cơ quan trong quá trình điều tra “chưa thể làm gì”, chờ thu thập đầy đủ chứng cứ, sau một vài tháng quay lại thì tài sản trong tay các đối tượng hầu hết đã bị tẩu tán.
Cho nên, dù về mặt đạo đức, chúng ta vẫn kêu gọi lòng tự trọng, sự liêm khiết và tinh thần trách nhiệm nhưng việc cần làm ngay phải là “trám” lỗ hổng ở những quy định, quy trình, tăng sức mạnh của pháp luật trong đời sống, ý thức tuân thủ pháp luật trong cán bộ, đảng viên dù là ở cấp bậc nào. Đừng để tái diễn “luật cho dân, lệ cho quan” - mà quan ở đây là cán bộ, đảng viên có chức vụ.
Nếu ai cũng sống và làm việc theo pháp luật, thực sự bình đẳng trước pháp luật, thì đâu còn lo tệ quan liêu, không chống được tận gốc tham nhũng?