Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bạo lực tinh thần không hề đơn giản

Châu Như Quỳnh Quang Phong

(Dân trí) - Về việc xây dựng dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nói bạo lực thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản.

Chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại tổ để hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng lý giải, việc xây dựng bộ luật này là điều không đơn giản, bởi vấn đề rất rộng, ai cũng nói được nhưng thể chế thành công cụ pháp luật thì không hề đơn giản.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bạo lực tinh thần không hề đơn giản - 1

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Quochoi.vn).

Vì thế, để lượng hóa hết cho đầy đủ là điều không hề dễ dù đã có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Chẳng hạn, vấn đề bạo lực tình dục dù đã được nói đến nhiều, nhưng đây là vấn đề tế nhị nên khó nói hết những gì cần nói. 

"Hôm trước, tôi đi báo cáo trước Ủy ban Xã hội để thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức để trình dự án Luật này, các thành viên trong Ủy ban cũng đặt vấn đề, ví dụ bây giờ các bà vợ gây sức ép phải đi làm kiếm thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ, chức kia thì đấy có phải hình thức bạo lực gia đình không?" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và đề nghị các đại biểu góp ý thêm cho đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình trong luật.

Yêu cho roi cho vọt?

Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, dù luật này có hiệu lực hơn 10 năm nay, nhưng bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Theo ông Ấn việc sửa luật là cần thiết.

"Khó khăn lớn nhất hiện nay là thay đổi nhận thức về các hành vi bạo lực trong gia đình. Bởi tâm lý tôi có con, tôi yêu cho roi cho vọt nên nhiều người chưa chắc đã nhận thức được các hành vi thế nào là bạo lực" - đại biểu Phạm Đức Ấn nói.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, cần phải giáo dục để người dân nhận thức được các hành vi bạo lực gia đình. Nếu luật này thực thi tốt sẽ giảm được đáng kể hành vi bạo lực trong gia đình, đồng thời hành vi bạo lực trong xã hội cũng giảm theo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bạo lực tinh thần không hề đơn giản - 2

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cũng đưa ra đánh giá, bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng, tính chất nhiều vụ việc rất nghiêm trọng. 

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Cừ là do tác động của cơ chế thị trường, tệ nạn xã hội (nghiện rượu, cờ bạc, ma túy) và các biện pháp răn đe chưa đủ nghiêm khắc.

Theo ông Trương Xuân Cừ, cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn "từ sớm, từ xa" các hành vi bạo lực gia đình. "Hơn ai hết, tổ trưởng dân phố, bí thư địa bàn phải là người nắm được các cặp đôi nào hay "chí chóe" nhau, em nhỏ nào có nguy cơ bị bạo lực gia đình. Cần có giải pháp để chính quyền cơ sở có trách nhiệm hơn trong vấn đề này", đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.

90% phụ nữ bị bạo lực không dám nhờ can thiệp

Phát biểu tại đoàn Hà Nội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, cùng chung nhận định bạo lực gia đình ngày càng tăng với các hành vi phức tạp hơn trước. Do vậy, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cần phải bổ sung thêm các hành vi bạo lực mới vào trong luật để có biện pháp xử lý.

"Thực tế có rất nhiều hành vi bạo lực gia đình như bố mẹ giam cầm con cái, thậm chí con cái giam cầm bố mẹ. Vợ chồng mâu thuẫn thì con cái liên quan gì mà lại bị bế đi tự tử cùng! Tôi rất đau lòng khi tiếp nhận các thông tin đó, nhưng trong luật lại không thấy đề cập", đại biểu Thích Bảo Nghiêm băn khoăn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bạo lực tinh thần không hề đơn giản - 3

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nhận định mối quan hệ trọng gia đình hiện nay có những thay đổi rất lớn so với trước đây. Đi cùng với sự thay đổi lớn đó là các hành vi bạo lực rất đa dạng, tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng và càng lúc càng khó xử lý.

"Nhiều trường hợp cách thức xử lý chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội. Có sự việc rất nghiêm trọng nhưng thời gian xử lý kéo dài, còn mức phạt thì chưa thỏa đáng", đại biểu Trình Lam Sinh nói.

Đại biểu đoàn An Giang đặc biệt quan tâm đến các hành vi bạo lực với phụ nữ. Đại biểu dẫn số liệu từ tờ trình dự luật đưa ra số liệu cứ ba phụ nữ có một người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Tuy nhiên, có tới 90% trong số đó không dám hoặc không muốn nhờ can thiệp giúp đỡ.

Ông Trình Lam Sinh cho rằng, đó là số liệu rất  đáng báo động, lo ngại, cần có bước xử lý nghiêm khắc hơn. "Kết quả điều tra này cho thấy bạo lực gia đình ở Việt Nam đang tăng lên so với 2009, làm thiệt hại 1,8% GDP của đất nước, rõ ràng rất nguy hiểm", đại biểu Sinh thông tin.

Từ phân tích trên, đại biểu đoàn An Giang cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 không còn phù hợp nên cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình vào trong luật.

"Dự thảo chưa đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình lắm đâu. Ví dụ như hai vợ chồng không có con, không ly hôn mà vẫn yêu thương nhau, nhưng chồng tối ngày đi nhậu với bạn để giải buồn. Như vậy có phải là hành vi bạo lực gia đình hay không?", đại biểu đoàn An Giang nêu băn khoăn.

Dự kiến ngày 14/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).