Giảm thuế là vì dân

Bích Diệp

(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12.

Điều này có nghĩa là chỉ cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội "duyệt" thì thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giảm 50% kể từ ngày 1/4 cho đến hết năm. Sau khi giảm thuế, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh giảm 1.100 đồng mỗi lít.

Dù chính sách có thể chỉ kéo dài 9 tháng nhưng với mức giảm thuế như trên, người viết cho rằng, cũng đã giảm đáng kể áp lực lên giá bán tới tay người tiêu dùng và qua đó, bớt phần nào gánh nặng cho nền kinh tế.

Bước đi kịp thời này cho thấy sự cầu thị của cơ quan điều hành trước ý kiến các chuyên gia, cũng như phần nào thể hiện việc theo sát, lắng nghe nhịp đập của đời sống người dân và doanh nghiệp.

Giảm thuế là vì dân - 1

Xăng dầu lên cao kỷ lục gây khó khăn với cả nền kinh tế, đặc biệt là cuộc sống người dân lao động nghèo (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Trước đó, tại bài viết ngày 19/2, bản thân người viết cũng đã nhấn mạnh việc sử dụng công cụ thuế, phí để kìm hãm giá xăng dầu là cần thiết và cũng khả thi nhất, đưa vào thực tế sớm chừng nào hay chừng ấy.

"So với việc ngân sách thu trực tiếp bao nhiêu từ thuế, phí xăng dầu thì cần tính đến những lợi ích lớn hơn, đó là giảm gánh nặng chi phí cho nền kinh tế - cho người dân và doanh nghiệp. Một khi CPI được kiểm soát, đời sống người dân tăng lên, doanh nghiệp tăng trưởng thì sẽ lại đóng góp trở lại cho ngân sách, không đi đâu mà thiệt!" - và đến nay tôi vẫn giữ quan điểm này.

Chưa lúc nào mà người tiêu dùng Việt Nam phải trả một mức giá cao đến vậy với mặt hàng xăng, dầu. Giá xăng tiệm cận mức 30.000 đồng/lít, tựa như "cú trời giáng" với những người lao động nghèo nơi phố thị.

Xăng tăng, không chỉ khiến việc đi lại trở nên đắt đỏ mà mỗi bữa cơm, mỗi hộp mì tôm, mỗi thứ đồ dùng, vật dụng hàng ngày cũng thêm phần nặng gánh.

Người lao động trong các lĩnh vực chuyển phát, giao nhận (shipper) khó trụ nổi với nghề, làm không đủ ăn. Xe ôm, taxi "khó sống". Cộng đồng doanh nghiệp sau hơn 2 năm trầy trật vì Covid, quay trở lại nhịp sống "bình thường mới" lại đúng vào thời buổi "bão giá" nguyên vật liệu, từ xăng dầu đến cát sỏi, xi măng.

Chi phí vốn ăn vào giá thành sản phẩm, bài toán lợi nhuận càng trở nên gay go hơn bao giờ hết.

"Tát nước theo mưa", thói đời vẫn thế! Dẫu vậy, chúng ta cũng hiểu rằng, xăng dầu liên quan đến hầu hết ngành nghề trong nền kinh tế, nên một khi xăng dầu đắt hơn thì cũng làm tăng giá cước vận tải, chi phí vận hành máy móc… dẫn đến giá bán hàng hóa đương nhiên tăng theo.

Doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh phải đứng trước bài toán lựa chọn: Bù lỗ hay là mất khách? Nếu vẫn giữ giá bán để níu chân khách thì đành chịu lỗ, còn nếu nâng giá cho kịp đà tăng giá xăng thì khách quay lưng.

Trong câu chuyện xăng dầu tăng giá lần này, gần như mọi thành phần của nền kinh tế đều chịu khổ.

Đến như những cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cứ ngỡ là họ có thể hưởng lợi nhờ giá bán, nhưng ngược lại, có thời điểm họ càng bán lại càng lỗ.

Bởi vậy, việc Chính phủ đề xuất thông qua giảm thuế với xăng dầu có thể nói là giải pháp tình huống vô cùng hợp lý, đúng lúc và cần thiết. Hơn nữa, dù rằng không ai muốn, chúng ta vẫn phải chuẩn bị tinh thần để ứng phó cho một tình huống "khó nhằn" là "lạm phát đình đốn" (stagflation), tức là kinh tế tăng trưởng chậm lại, còn giá thành ngày một tăng cao.

Muốn tránh được tình huống đó cần có phương án kìm lạm phát, lại vừa phải nỗ lực kích thích tăng trưởng, tạo điều kiện cho người dân chi tiêu và doanh nghiệp hồi phục, phát triển. Riêng với mặt hàng xăng, hiện thuế phí đang chiếm hơn 11.000 đồng nên dư địa giảm thuế, phí còn nhiều (không chỉ có thuế bảo vệ môi trường mà còn có thể tính đến những sắc thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt).

Việc giảm thuế chắc chắn sẽ khiến ngân sách bị ảnh hưởng. Nhưng nói cho cùng, mọi chính sách thuế, phí đều nhằm điều tiết cung - cầu, thu ngân sách và nguồn lực ngân sách đó sẽ quay trở lại phục vụ nhân dân. Đó cũng chính là vì dân vậy!