Dự báo tốt hơn, chính sách mới không bị động
(Dân trí) - Vì sao ở ta có các viện chiến lược, các trung tâm khảo sát, phân tích… có lẽ, chính là để họ phát huy tác dụng trong những tình huống như hiện tại!
Được biết, chiều ngày 7/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Quyết định số 155/QĐ-BTC ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Theo quyết định này, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng và các nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm trên… nằm trong danh mục miễn thuế.
Dù đánh giá cao quyết định này trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp là vô cùng có ý nghĩa nhưng người viết vẫn cho rằng, giá như chính sách được ban hành sớm hơn nữa thì có thể thị trường khẩu trang và nước sát trùng đã bớt “nhiệt” như vừa qua.
Bởi, từ cuối năm 2019, và trước Tết Nguyên đán, khi xảy ra dịch tại Trung Quốc thì thị trường này đã bắt đầu “nóng” nhu cầu khẩu trang.
Thống kê của Hải quan cũng cho thấy, chỉ qua cửa khẩu ở Lạng Sơn đã có khoảng 4 triệu chiếc khẩu trang được xuất khẩu sang Trung Quốc trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 2. Vấn đề là giá trị xuất khẩu của khối lượng khẩu trang này trên giấy tờ chỉ là 92.137 USD, tương ứng đơn giá bình quân là hơn 500 đồng/chiếc, một mức giá không hề cao hơn so với thị trường trong nước.
Nói cách khác, tín hiệu về cầu của thị trường khẩu trang trong nước đã chậm hơn nhiều nhịp so với ở Trung Quốc nên nguồn cung đương nhiên đã chảy về nơi có khả năng sinh lợi trước.
Một thông tin liên quan khác được Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đưa ra trong cuộc họp khẩn tại Bộ Công Thương ít ngày gần đây: trước tình hình dịch bệnh do virus corona xuất hiện ở Việt Nam, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch bệnh gia tăng, thị trường có hiện tượng tăng giá các mặt hàng như: khẩu trang, nước sát trùng, sát khuẩn và găng tay y tế.
Điều nghiêm trọng là một số vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh bị làm giả, hay là có tình trạng khẩu trang bị tái sử dụng. Đúng như đại diện Bộ Công Thương nhận định, đây là một “đại hoạ” mới đối với người dân, song ở một vế khác cũng phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung của các mặt hàng này.
Như những bài viết trước đăng tải trên BLOG của Dân Trí, người viết lên án việc bất chấp tất cả để kiếm lời, thậm chí là trục lợi trên tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng trong điều kiện nguy cơ dịch bệnh lây lan cộng đồng. Do đó, hơn lúc nào khác, đây là lúc siết lại kỷ cương và xử lý theo pháp luật những trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình thức can thiệp xử lý về mặt hành chính thì điều quan trọng hơn, các cơ quan Nhà nước cần phải có những động thái nghiêm túc để hỗ trợ sản xuất, cải thiện nguồn cung cũng như chấn chỉnh nguồn cầu. Chẳng hạn việc phổ biến khuyến nghị của WHO không lạm dụng khẩu trang để tránh lãng phí, hay là nêu công thức tự làm nước sát khuẩn… cũng sẽ giảm bớt phần nào áp lực lên cung.
Hơn nữa, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì mặt hàng khẩu trang y tế khi xuất khẩu không phải xin giấy phép của cơ quan chức năng. Bởi vậy, nếu cơ quan quản lý can thiệp một cách thô bạo và quá cứng nhắc đến hệ thống phân phối, không chừng lợi bất cập hại, khẩu trang có thể sẽ lại được “tuồn” ra nước ngoài.
Ở bài viết này, người viết không nhằm mục đích chê trách, nhưng cho rằng, các cơ quan chức năng và có thẩm quyền cần theo sát diễn biến diễn ra trong nước và quốc tế để từ đó đưa ra dự báo về biến động thị trường và đề nghị được những chính sách ứng phó kịp thời.
Vì sao ở ta có các viện chiến lược, các trung tâm khảo sát, phân tích… có lẽ, chính là để phát huy tác dụng trong những tình huống như hiện tại!
Bích Diệp