Chuyện BRT và cuộc “cách mạng” giao thông ở Hà Nội
(Dân trí) - Nếu có đường riêng thông thoáng, với tài “luồn lách siêu đẳng”của các bác tài xe buýt hiện nay thì có mà nhanh như… tên lửa! Vậy thì, liệu có cần đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho cái BRT này hay không, các bạn nhỉ?
Đã qua gần một tháng (31/12) kể từ ngày tuyến xe buýt nhanh BRT Yên Nghĩa – Kim Mã được chính thức khai trương, mở đầu cho một cuộc “cách mạng” giao thông công cộng Thủ đô. Tuy nhiên đến nay (24/1), vẫn còn rất nhiều ý kiến xung quanh dự án tốn kém hàng ngàn tỉ đồng này.
Trước hết, phải nói chủ trương tăng tỉ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Nhất là thời điểm những ngày giáp tết, với số lượng phương tiện tham gia “khủng khiếp” cộng với việc qui hoạch “băm nát Thủ đô” thì nạn tắc đường là không tránh khỏi.
Nhìn ra thế giới, vấn nạn tắc đường không chỉ xảy ra ở Việt Nam, một quốc gia đang phát triển mà ở cả những nước có hạ tầng giao thông hiện đại và qui hoạch tầm nhìn dài lâu. Nói một cách khác, nó là vấn nạn của xã hội hiện đại, đến nay chưa có biện pháp tối ưu cho tất cả các quốc gia.
Do đó, chủ trương đầu tư vào phương tiện giao thông công cộng có lẽ cũng là “phương thuốc” hữu hiệu trong tình hình hiện nay đối với Việt Nam. Việc thành phố Hà Nội áp dụng kinh nghiệm này từ các quốc gia để nhằm giảm ách tắc giao thông là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những đặc điểm văn hóa khác nhau, nhất là văn hóa giao thông, Việt Nam ta có lẽ vào hàng… yếu kém nên cũng không ngạc nhiên khi chuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên xuất hành đến nay, tình hình giao thông vẫn chưa hề sáng sủa. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng BRT đã trở thành một trong những nguyên nhân làm căng thẳng thêm tình trạng này.
Nhất là mới đây, việc lắp giải phân cách cứng dành riêng phần đường cho BRT đang tạo nên nhiều luồng phản ứng mà phần đông không đồng tình. Nhiều bạn đọc gửi ý kiến (comment) về báo điện tử Dân trí còn bày tỏ sự thất vọng.
Bạn Nguyễn Hữu Long viết: “Từ ngày có BRT thấy hiệu quả rõ rệt, đường tắc ngày càng tắc. Xe buýt thì vắng người. Chúc mừng sáng kiến của Sở GTVT Hà Nội!”.
Bạn Lê Quyết Thắng nhắc lại một câu chuyện cũ và đề nghị: “Vấn đề này các cơ quan chức năng phải xem xét lại! Chúng ta đã rút kinh nghiệm từ giải phân cách cứng phân làn giữa ô tô và xe máy trên các tuyến nội đô và Quốc lộ 5. Tất cả đều phải dỡ bỏ bởi vì gây nguy cơ mất an toàn, chết người cao hơn! Giải pháp tốt nhất là tuyên tuyên và giáo dục người dân khi tham gia giao thông thì chẳng ai chịu làm!”.
Bạn Nguyễn Hoàng Hải viết: “BRT hiện là con cưng của Thành phố nên được ưu tiên tối đa (chú ý đường ưu tiên Bus ở Đức còn phục vụ cả Taxi). Chưa cần nhắc đến lúc này tâm tư người đi BRT vui bao nhiêu, thì người đi xe máy trên đoạn đường có BRT sẽ buồn bấy nhiêu vì tự nhiên đường bị co lại…”
Trái lại, bạn Nguyễn Huy thì đồng tình: “Suy nghĩ của đa phần mọi người là phản đối BRT. Có người nói rằng nó càng tắc, nó càng làm tăng tai nạn... Vậy ngoài việc làm dải phân cách thì các bạn có cách gì khác? Theo tôi, đây là giải pháp đúng đắn vì thứ nhất, đề án xe bus nhanh đã hoạt động và hàng loạt xe đang phục vụ nên chúng ta không thể rút lại được. Thứ 2, quan trọng nhất là giảm thiểu tai nạn vì tốc độ xe bus xe rất nhanh và khó tránh khỏi những va chạm nếu không có dải phân cách… Một ngày chưa quen thì nhiều ngày khắc sẽ quen, khi tốc độ xe bus đã ổn định thì khi đó sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề khác, các bác tài xế cũng đỡ đau đầu hơn, sinh viên, học sinh cũng vui hơn thậm chí cả những người hay đi xe bus nữa. Vì vậy, hãy để yên cho họ làm vì tôi thấy chỉ còn cách này là khả thi thôi”.
Tuy nhiên, có một câu hỏi hài hước, ngắn gọn và rất đáng suy nghĩ của bạn Trần Đăng: “Xe buýt thường chạy vào đường phân làn cũng thành BRT, cần gì phải tốn tiền tỉ để đầu tư BRT nhỉ?”.
Ờ nhỉ! Đúng là nếu có đường riêng thông thoáng, với tài “luồn lách siêu đẳng”của các bác tài xe buýt hiện nay thì có mà nhanh như… tên lửa! Vậy thì, liệu có cần đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho cái BRT này hay không, các bạn nhỉ?
Bùi Hoàng Tám