Điểm lại 4 Bộ trưởng đăng đàn trong phiên chất vấn
(Dân trí) - Chỉ còn khoảng hơn một năm nữa, nhiệm kỳ Quốc hội này kết thúc. Tuy còn khoảng 3 kỳ họp nhưng chương trình chất vấn và trả lời chất vấn chỉ còn 2 lần vì kỳ họp cuối cùng, thường là để hoàn tất các thủ tục cho nhiệm kỳ mới.
Nhìn lại 8 lần chất vấn và trả lời chất vấn, không khó để nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt qua mỗi kỳ họp.
Về phía chất vấn, các đại biểu ngày càng bản lĩnh và sâu sát. Những vấn đề nêu ra luôn gắn chặt với hơi thở của đời sống xã hội cả vi mô và vĩ mô.
Về phía trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ nắm chắc vấn đề, sẵn sàng giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của đại biểu Quốc hội.
Lần chất vấn và trả lời chất vấn này đã diễn ra trong 3 ngày. Có thể nói đây là những ngày sôi động và “căng trí não” cho cả hai bên.
Hàng trăm câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã được đặt ra cho 4 Bộ trưởng đăng đàn là Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Nội vụ và Thông tin Truyền thông.
Người “mở hàng” phiên chất vấn là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (Bộ NN&PTNT). Vẫn phong thái năng động, sôi nổi, với trí nhớ tuyệt vời, dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Cường đã hóa giải hầu hết các câu hỏi.
Từ việc “được mùa, mất giá”, xuất khẩu hàng nông sản đến Chương trình Nông thôn mới. Từ việc tàu ngư dân vi phạm đến việc “giải cứu” thẻ vàng của EU rồi dịch tả châu Phi… đều được Bộ trưởng Cường trả lời thỏa đáng.
Có lẽ, việc để Bộ trưởng Cường “mở hàng” là sự lựa chọn chính xác, khiến cho cuộc chất vấn và trả lời chất vấn luôn sôi động và suôn sẻ.
Người thứ hai tiếp sau Bộ trưởng Cường là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Ông là vị Bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi nhất (khoảng 80 câu) và cũng là người trả lời được nhiều câu hỏi nhất. Điều này cho thấy nhiệm vụ của Bộ Công Thương rất rộng, trách nhiệm nặng nề đồng thời cũng cho thấy vượt qua những “di sản u ám” từ nhiệm kỳ trước, Bộ Công Thương đã không ngừng nỗ lực để vươn lên.
Với cách nói nhanh quen thuộc cùng với việc nắm chắc vấn đề, cái được nói được, cái chưa nói chưa, Bộ trưởng Công Thương được đánh giá là minh bạch và thẳng thắn nên được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cử tri ghi nhận.
Người thứ ba đăng đàn là Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.
Tuy không nhận được nhiều câu hỏi như Bộ trưởng Công Thương, song Bộ trưởng Tân có lẽ cũng… toát mồ hôi bởi gặp nhiều câu hỏi khó.
Từ việc tinh giản biên chế, việc để lọt những người không tốt vào viên chức, công chức… đến trách nhiệm của Bộ trưởng khi công chức tham ô, nhũng nhiễu v.v.v.
Song, về cơ bản, Bộ trưởng Tân đã hoàn thành việc trả lời chất vấn một cách suôn sẻ.
Người “chặn hậu” là Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Tuy lần đầu đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Hùng đã nhanh chóng hòa nhập, trả lời thấu đáo hầu hết câu hỏi của các đại biểu.
Từ việc phát triển công nghệ thông tin, quản lý sim rác, ngăn chặn thông tin độc hại… đến qui hoạch báo chí cũng như chấn chỉnh các cơ quan báo chí nhằm thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích…
Tuy mới nhận nhiệm vụ khoảng hơn một năm, Bộ trưởng Hùng đã tỏ rõ bản lĩnh “tư lệnh” của ngành thông tin truyền thông.
Hiểu biết sâu sát, bản lĩnh tự tin, thái độ điềm tĩnh, Bộ trưởng Hùng đã để lại ấn tượng tốt với cử tri. Ông rất xứng đáng khi được chọn đi “chặn hậu”, kết thúc cho một phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Tuy nhiên, phiên chất vấn còn một số việc cần khắc phục.
Ví như một số đại biểu đặt câu hỏi khá gay gắt cho một Bộ trưởng khiến có cảm giác như “truy bài”. Tuy là vấn đề có bức xúc, đại biểu có bức xúc, song cũng nên điềm tĩnh bởi tất cả đều vì một mục đích chung.
Việc một số đại biểu rất tích cực đăng đàn cũng tương tự. Đây là hành động tốt. Nhưng nhìn ở góc độ nào đó, sẽ phong phú hơn, sẽ đa dạng hơn và sẽ hấp dẫn hơn nếu như có được nhiều đại biểu tham gia chất vấn hơn là luôn gặp những gương mặt quen thuộc.
Song, nhìn tổng thể, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thành công, được cử tri ghi nhận.
Bùi Hoàng Tám