Tâm điểm
Bích Diệp

Cuộc gọi rác: Nỗi ám ảnh không dứt

"Nhiều khi đang họp cũng nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác mời chào mua bất động sản, hàng hóa" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ bức xúc trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến vào Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), chiều 15/8.

Đây cũng là những trải nghiệm mà người dân phải chịu đựng lâu nay. Thật không hề dễ chịu, thậm chí nhiều lúc cảm thấy "phát rồ" khi liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi giới thiệu sản phẩm, nào là chào bán bất động sản, rồi thì kêu gọi đầu tư chứng khoán quốc tế, hay mời chào "việc nhẹ, lương cao" mang tính đa cấp trá hình.

Mấy hôm trước, một chuyên gia tài chính đã phải phát cáu chia sẻ trên trang cá nhân vì bị "khủng bố" bởi nhiều số điện thoại khác nhau về cùng một dịch vụ "đầu tư chứng khoán". Vị chuyên gia ban đầu còn từ chối nhẹ nhàng, sau đó tần suất gọi quá nhiều nên ông phải chặn số. Oái oăm thay, chặn số này thì số kia lại gọi tới và ông không những mất thời gian mà tâm trạng làm việc trong một ngày cũng tệ đi trông thấy vì bị quấy nhiễu.

Cuộc gọi rác: Nỗi ám ảnh không dứt - 1

Nhiều cuộc gọi rác, tin nhắn rác "tấn công" tâm lý người nhận (Ảnh minh họa).

Đứng ở góc độ trải nghiệm khách hàng, cá nhân tôi sẽ không bao giờ tham gia sử dụng những sản phẩm, dịch vụ được mời chào theo lối quấy nhiễu lộ liễu như vậy. Tuy nhiên, không rõ vì sao các doanh nghiệp vẫn không ngừng phát triển dịch vụ telesales (tiếp thị qua điện thoại) làm phiền khách hàng thô thiển đến như vậy?.

Thêm nữa, số điện thoại cá nhân bị chia sẻ tràn lan sẽ khiến nhiều người không những khó chịu mà còn cảm thấy bất an. Một người bạn của tôi là giáo viên trung học cơ sở gần đây lo lắng nói với tôi rằng, cô bị một số đối tượng mạo danh cơ quan công an điều tra đe dọa việc xe ô tô do cô đứng tên đã gây tai nạn chết người tại Đà Nẵng, buộc cô phải cung cấp các thông tin cá nhân và nộp một khoản tiền để phục vụ công tác điều tra. Rất may là bạn tôi đã không trúng bẫy lừa đảo. Theo phản ánh trên báo chí thì tình trạng lừa đảo tương tự là khá phổ biến. 

Cần khẳng định rằng thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Nghị định 91 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ tháng 10/2020 đã nêu hàng loạt giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Trong 6 tháng đầu năm 2022, hơn 74 triệu cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi rác) đã bị phát hiện, tăng 53% so với 6 tháng đầu năm 2021. Các doanh nghiệp viễn thông đã chặn 113.416 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (tăng 53% so với cùng kỳ 2021).

Kể từ ngày 1/3/2022, nếu nhận được các cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử "rác", người dùng có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới Hệ thống tiếp nhận phản ánh: Tổng đài 5656.

Các giải pháp đã phát huy hiệu quả, dù vậy, hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn tiếp tục gây bức xúc như phản ánh của vị Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế. Tình trạng này cho thấy cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn giải pháp hiện có; đồng thời sớm nghiên cứu, triển khai biện pháp mạnh hơn, triệt tận gốc vấn nạn này.

Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có quy định ngăn chặn tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng vào mục đích tiếp thị mà không được sự đồng ý từ trước.

Hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân cần sớm được hoàn thiện, đồng thời bổ sung chế tài mạnh hơn đối với các hành vi làm lộ, lọt và sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép; sớm nghiên cứu xây dựng đạo luật về vấn đề này trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Các nhà mạng cũng phải vào cuộc tích cực hơn nữa. Bất cứ đơn vị nào vi phạm quy định tại Nghị định 91 phải bị phạt nặng để răn đe.

Trong khi chờ cơ quan thẩm quyền hoàn thiện về pháp lý, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng việc báo cáo số điện thoại quấy nhiễu; hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên các diễn đàn mạng hay các đối tác thiếu tin cậy.

Xin đừng để tin nhắc rác, cuộc gọi rác trở thành nỗi ám ảnh không dứt!

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!