Còn nữa không những con tàu định mệnh?
(Dân trí) - Chiếc ca nô "H.29-BP" chìm trên biển trong hành trình từ Tiền Giang đi Vũng Tàu làm 9 người chết gây chấn động cả nước. Ngoài chia sẻ với gia đình của nạn nhân, dư luận vô cùng bức xúc vì những tắc trách dẫn đến cái chết oan uổng của các nạn nhân.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Mấy hôm nay, có nhiều cuộc họp để tìm nguyên nhân của vụ tai nạn, quy trách nhiệm cho các cá nhân, tổ chức. Nhưng cho đến nay, mọi chuyện vẫn đang trong tình trạng có nhiều uẩn khúc. Câu trả lời chưa có cụ thể, nhưng cái chết của 9 nạn nhân là có thật.
Các cơ quan chức năng chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng người dân chợt bừng tỉnh ra một điều, đi tàu thuyền các loại hoàn toàn không đảm bảo an toàn. Có quá nhiều chứng lý để thuyết phục cho quan điểm này.
Thứ nhất, Việt Nam có nhiều quy định để quản lý tàu thuyền và hoạt động lưu thông đường thuỷ, nhưng việc chấp hành gần như rất tuỳ tiện. Tàu chở quá số lượng hành khách cho phép, không ai biết. Tàu quá hạn đăng kiểm, vẫn cứ đưa vào sử dụng. Tàu quá cũ kỹ trên dưới 20 năm, vẫn khai thác kinh doanh. Tất cả hệ thống quản lý đã làm gì để lọt những con tàu có thể trở thành "định mệnh" này.
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia biển, có vùng biển rộng lớn, có bờ biển dài 3.200 km, có nhiều sông lớn làm huyết mạch giao thông, nhưng hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải, cứu hộ cứu nạn đã thực sự đảm bảo an toàn chưa? Câu trả lời không ở đâu xa mà ngay chính chiếc ca nô "H.29-BP" xấu số trên biển Cần Giờ. Vậy thì, tuy đã có sự đầu tư hệ thống thiết bị, tài lực, nhân lực với nhiều đợt tập huấn, diễn tập, nhưng khi có sự cố xảy ra, khả năng ứng phó hiệu quả chưa cao.
Cuối cùng, và đây cũng là điều đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất, đó là tinh thần trách nhiệm và lương tâm của người thực thi công việc. Như vụ chìm ca nô, theo báo Lao động cho biết, có dấu hiệu những người giữ các vị trí chủ chốt nhận được thông tin cấp cứu nhưng “giấu giếm”, không cứu ứng ngay lập tức. Ngoài ra, hai chiếc ca nô đi cùng hành trình cũng nhận được thông tin cấp cứu, nhưng đã bỏ mặc con tàu gặp nạn không cứu, ít nhất là gọi điện cấp báo cho đơn vị cứu nạn. Nếu như những người có trách nhiệm khẩn trương báo tin để phối hợp cứu nạn, thì sẽ không có thiệt hại như hiện nay.
Từ vụ chìm tàu đau thương này, dân đòi hỏi một điều, phải chấn chỉnh gấp việc quản lý tàu thuyền và hoạt động lưu thông đường thủy. Người dân có nhu cầu đi lại và các cơ quan hữu quan cần có trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông cho dân chúng. Để cho dân chết vì tai nạn là không hoàn thành nhiệm vụ.
Trước mắt, đối với vụ chìm ca nô vừa qua, cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, nếu có căn cứ vì thiếu trách nhiệm gâyh hậu quả nghiêm trọng thì khởi tố hình sự và xử lý thật nghiêm.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!