Còn nhiều dư địa cho phát triển kinh tế

(Dân trí) - Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Dân trí sáng ngày mùng 1 Tết, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng, có một số ngành đã đến ngưỡng "điểm nghẽn phát triển" như ngành nông nghiệp, ngành khai khoáng... Theo chuyên gia này, nếu không thay đổi, không cải cách thì không thể nào khai thác và phát triển được.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nhìn lại 2016, kinh tế Việt Nam có một số điểm sáng mà nổi bật là lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 100 ngàn-số lượng cao nhất từ trước đến nay. Nó cũng thể hiện phần nào môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính được cải thiện đã cởi trói sức sản xuất, thúc đẩy người dân đẩy mạnh kinh doanh, lập nghiệp. Số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng tăng rất mạnh... Những yếu tố này, nếu tiếp tục được duy trì, sẽ thúc đẩy tăng trưởng, phát triển trong những năm tới.

Tuy nhiên năm qua, một trong những chỉ số quan trọng là tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2016 chỉ đạt 6,21%, không đạt nhiệm vụ Quốc hội giao (6,7%). Thì trong các yếu tố làm tăng trưởng chung bị sụt giảm, có 2 lĩnh vực: nông nghiệp và khai khoáng (than, dầu thô) bị giảm mạnh, kéo tăng trưởng chậm theo.

Có nhiều người cho rằng, nền kinh tế đã rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", tức là qua một thời gian tăng trưởng nhanh trong giai đoạn trước, nay bị rơi vào trạng thái trì trệ, khó đạt mức cao do thiếu những giải pháp cải cách hữu hiệu, thiếu động lực tăng trưởng.

Nhưng có lẽ đó là cách nhìn thiếu lạc quan song, cách nhìn nhận không phải không có lý. Cho dù một số lĩnh vực như khai khoáng: Than, dầu thô... dù giá có hồi phục cũng khó còn có thể huy động, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế như các năm trước đây do đã khai thác gần như cạn kiệt nhưng vẫn còn đó nhiều lĩnh vực có thể tập trung khai thác, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Ví dụ như nông nghiệp, dù đúng là biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, nhưng vẫn còn có khả năng phát triển mạnh do tiềm năng phát triển, nuôi trồng thuỷ hải sản còn lớn; khả năng phát triển nông nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao còn rộng mở khi hiện nay, Việt Nam chưa ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào lĩnh vực này.

Những hoạt động đầu tư gần đây của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn như TH Truthmilk, Vingroup, SSI, Hoà Phát... và cả các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp và bước đầu cho thấy hiệu quả, có biến chuyển mạnh cho thấy, nông nghiệp vẫn là một lĩnh vực có thể đóng góp lớn cho tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Trong nhiều năm qua, những nguồn lực đầu tư quá tập trung vào bất động sản, công nghiệp nặng: Có nhiều dự án được đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng "đắp chiếu", phá sản; hàng chục ngàn tỷ đồng được huy động để hâm nóng thị trường bất động sản. Nếu những nguồn lực này được đầu tư vào nông nghiệp, chắc chắn đã không làm cho lĩnh vực nông nghiệp ảm đạm như thời gian qua mà lâu dài, nó sẽ tạo được sự phát triển bền vững. Nhớ lại nhiều năm trước đây, tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư vào nông nghiệp là tỷ lệ 13,8% nhưng hiện nay chỉ còn hơn 6%. Vậy thì làm sao có thể hy vọng sự phát triển mạnh trong lĩnh vực này?

Theo một số chuyên gia kinh tế khác thì ngoài nông nghiệp, vẫn còn có một số lĩnh vực nếu có giải pháp đầu tư hiệu quả, có cách làm tốt thì cũng có thể đem lại tăng trưởng vượt bậc, đóng góp cho phát triển chung của nền kinh tế, mà rõ nhất là lĩnh vực du lịch. Với rất nhiều lợi thế cả về thiên thiên, cảnh quan, di tích... nhưng Việt Nam vẫn chỉ là nước đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về thu hút du khách, kém xa Thái Lan, Mailaysia, Singapore.

Năm 2016, Thái Lan thu hút được gần 30 triệu khách du lịch, thu về khoảng 70 tỷ USD ngoại tệ. Trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm ngoái dù tăng khá mạnh cũng chỉ đạt trên 10 triệu và nguồn thu từ khách quốc tế, chưa có con số chính xác nhưng các số liệu thống kê gần nhất cho thấy, mới chỉ đạt tới con số khoảng 15 tỷ USD.

Giả dụ như có những giải pháp: Đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú, cải thiện các thủ tục về Visa, xuất nhập cảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ... thì tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch là hoàn toàn khả thi.

Như vậy, có thể nói, không phải Việt Nam không còn có hội phát triển mạnh. Mong rằng tới đây, sẽ có các giải pháp đột phá, có quyết tâm cải cách trong từng lĩnh vực cụ thể. Người dân, doanh nghiệp luôn chờ đợi những chính sách mang tính "kiến tạo", thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Mạnh Quân