Bước qua những phép thử, kinh tế Việt Nam 2017 sẽ thế nào?
(Dân trí) - Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năm 2017 sẽ có một loạt phép thử cho Chính phủ, với những quyết định liên quan về đầu tư thép Cà Ná, xem lại tổng sơ đồ điện...
Đầu năm mới Đinh Dậu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có cuộc trò chuyện ngắn về chủ đề kinh tế 2017, vạch rõ rào cản, tạo nguồn sáng tạo, phát triển đột phá. Chúng tôi xin trích đăng một vài ý kiến của vị chuyên gia này đối với những kỳ vọng kinh tế năm mới 2017.
Một đánh giá khái quát về kinh tế năm 2016, xin chuyên gia chỉ rõ những điểm nghẽn thuộc di sản của các năm qua để chúng ta cải thiện trong năm 2017?
- Năm 2016 bộc lộ 1 loạt các vấn đề nội tại của nền kinh tế làm tốc độ tăng trưởng chung bị sụt giảm xuống là nông nghiệp và khai thác khoáng sản (than, dầu thô). Tuy nhiên, trên thực tế cả 2 ngành này đều tới ngưỡng điểm nghẽn phát triển không cải cách, không thay đổi không có cách nào để khai thác và phát triển được.
Về nông nghiệp, biến đổi khí hậu đang là sức ép rất lớn của sự tăng trưởng của chúng ta. Về công nghiệp, dịch vụ, đô thị hoá, chiếm đoạt/tước đoạt nguồn lực rất nhiều. Chuyện vô lý là chúng ta sẵn sàng bỏ ra gói 30.000 tỷ đồng giải cứu bất động sản, trong khi 30.000 tỷ đồng đó nếu cho nông nghiệp thì đã đỡ hẳn cái ảm đạm của nông nghiệp nhiều năm nay mà lại tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Đây không phải là vấn đề của Bộ Nông nghiệp mà là mặt quan điểm về tăng trưởng, phát triển kinh tế. Bức tranh của nông nghiệp hiện đòi hỏi đến lúc phải thay đổi quyết định.
Trong những năm qua, chúng ta gần như lãng quên nông nghiệp, tất cả các chỉ số đều cho thấy đầu tư vào nông nghiệp cứ tiếp tục sụt giảm. Nếu trước đó tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư vào nông nghiệp là tỷ lệ 13,8% thì sau này nó chỉ còn hơn 6%. Hơn 65% dân cư Việt Nam sống ở khu vực nông thôn gần như bị lãng quên, tụt lại phía sau trong quá trình phát triển.
Về khai khoáng - "bản cũ soạn lại" của động lực tăng trưởng qua các năm, năm 2016 chúng ta "ngấm đòn" khi than, dầu thô giá giảm mạnh. Năm 2016 tăng khai thác về dầu nhưng nguồn thu cũng có bao nhiêu, kể cả năm 2017, có dự báo là giá dầu có tăng lên 1 chút thì nó cũng không đủ bù đắp cho cái việc mình tăng và chi phí đồng thời tăng lên trong khai thác các khoáng sản.
Khoáng sản đã tận khai rồi, Việt Nam đến lúc tài nguyên cạn kiệt, đã lâm vào trạng thái nghèo tài nguyên cần tìm nguồn lực tăng trưởng mới. Phân tích hiện trạng thì phải nói nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này để thay đổi căn cơ, lấy khoa học làm đầu, con người làm trọng tâm để tăng trưởng, phát triển.
Về niềm tin đối với doanh nghiệp (DN), năm 2016 được coi là thành công khi số DN thành lập mới tăng cao, nhanh. Bà có nhận định gì về vấn đề này, phải chăng động lực mới cho khu vực DN đã được xây dựng, chúng ta đã và đang bước những bước đầu tiên của nhà nước kiến tạo, phát triển?
- Đúng là tín hiệu DN thành lập mới, có vẻ vui hơn của khu vực tư nhân với con số DN đăng ký tăng lên. Nó là sự lóe lên tia hi vọng trong doanh nghiệp là trong điều kiện bức bách của chính mình sau bao nhiêu năm số DN ngưng hoạt động liên tục tăng tới năm 2015 đã lên đến 83.000 DN, năm 2016 có vẻ giảm xuống còn 73.000 DN.
Nhưng câu hỏi là “liệu cái hi vọng của DN này nuôi dưỡng được bao lâu, nó có dài hạn hay không?”. Nó có biến thành niềm tin thực sự để cho họ có thể phát triển trong thời gian tới được hay không? Với những thách thức rất nặng nề về mặt bối cảnh quốc tế, với những vấn đề về môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng vẫn chậm.
Hiện, các bộ ngành của Việt Nam vẫn còn giỏi đưa ra sáng kiến về thuế, phí thay vì giỏi đưa sáng kiến cải cách. Đầu năm chi phí sản xuất đã tăng lên, chi phí logistic, lãi suất, thuế môi trường trong xăng dầu... gánh nặng đổ vào DN, vào người tiêu dùng vẫn tăng lên. Đối với DN, những áp lực trên theo tôi không biết họ có chịu đựng được không hay lại đổ hết lên vai người dân? Trong khi đó thì 2 khu vực cần cải thiện để tạo điều kiện cho tư nhân phát triển là khu vực DNNN và khu vực FDI thì vẫn còn nguyên xi, những ưu đãi vẫn bày ra trước mắt họ.
DNNN thì về cuối năm chúng ta tổng kết lại là cổ phần số lượng DN nhiều nhưng tổng số vốn thì vẫn tương ứng độ khoảng 8% tổng số vốn của nhà nước được cổ phần hóa thôi. Có nghĩa là nguồn lực nằm trong DNNN vẫn còn quá lớn và không giải phóng được. Năm 2016 mình đặt ra chỉ tiêu là bằng ASEAN 4 nhưng khoảng cách giữa ASEAN 4 vẫn tăng lên. Việt Nam vẫn tụt hạng về năng lực cạnh tranh so với các nước, khiến mình cố rượt đuổi ngang bằng người ta nhưng khoảng cách vẫn cứ xa hơn. Đấy là nghịch lý ở nước mình.
Cuối năm 2016, Quốc hội thông qua đề án Tái cơ cấu đổi mới mô hình tăng trưởng. Vậy bà đánh giá thế nào về sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong năm Đinh Dậu 2017 này?
Năm 2017 sẽ có một loạt phép thử cho Chính phủ. Thứ nhất là môi trường, đối với Formosa, Chính phủ tuyên bố không đánh đổi môi trường lấy dự án. Năm 2017, Chính phủ có ra được những quyết định liên quan về: đầu tư thép Cà Ná, xem lại tổng sơ đồ điện, các nhà máy nhiệt điện than hay không… những tuyên bố cải cách, tạo động lực phát triển có làm, có hiện thực hóa hay không? Vẫn phải chờ và vẫn phải hy vọng. Tuy nhiên, chúng ta cần bước qua các phép thử để vượt giới hạn phát triển.
Formosa chúng ta cũng chỉ xử lý sự cố, chưa khiến nhà đầu tư thay đổi. Tôi sợ là không biết có lần hai không và giá phải trả là như thế nào vì môi trường hiện là thách thức quá lớn đối với người dân ven biển, tàn phá sinh kế lâu dài.
Thứ hai là vấn đề quy hoạch, với hạ tầng giao thông, rồi kẹt xe ở Hà Nội, TP.HCM. Ở đây phải xử lý xung đột lợi ích giữa một số nhóm đại gia ngành xây dựng bất động sản với các vấn đề về quy hoạch phát triển chung về hạ tầng với đông đảo người dân. Chính phủ phải xử lý hài hòa giữa lợi ích hai bên. Bài toán này không dễ nhưng buộc phải làm.
Thứ ba là đề án Tái cơ cấu kinh tế, Quốc hội đã thông qua rồi, Chính phủ sẽ lập ra nhóm đặc nhiệm để thực hiện. Nhóm đặc nhiệm phải đứng ngoài cơ quan quyền lực bởi tái cơ cấu đụng đến quyền lực, nhóm lợi ích. Nếu nhóm đặc nhiệm không có vai trò độc lập, khách quan thì khó thực hiện được những đề án tái cơ cấu cần thiết.
Cuối cùng là vấn đề xã hội đầu năm 2017, chúng ta vừa tiếp nhận báo cáo của Oxfam rất là xúc cảm với mục tiêu thu hẹp bất bình đẳng. Điều này cho thấy bất bình đẳng trong xã hội chúng ta đang diễn ra một cách ghê gớm. Và từ bất bình đẳng này sẽ dẫn đến đến công ăn việc làm, nó còn gây ra các vấn đề xã hội có thể phát sinh rất lớn, nên Chính phủ năm tới có thể có hàng loạt phép thử và phải xử lý căn cơ chứ không phải đứt đoạn. Tôi mong Chính phủ đặt vấn đề đó ra và mọi người cũng tháo gỡ mang lại những lợi ích dài hạn cho nền kinh tế.
Năm 2017 sẽ là thời hạn cuối cùng cho chúng ta tăng cường nội lực của nền kinh tế để đối phó với áp lực của hội nhập cực lớn của những năm tiếp theo?
- Về điều hành Chính phủ, trong năm 2016 có nhiều chuyển biến tốt, tuy nhiên tôi vẫn chỉ thấy nó mới chỉ là sự chuyển biến từ Chính phủ, trong đó là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, còn ở bộ vẫn rất chậm. Nếu mà nhìn vào đa số của các bộ, các địa phương, thì số chưa chuyển động vẫn nhiều hơn thay đổi thói quen và lề lối làm việc vì DN, vì người tiêu dùng.
Bộ Công Thương được coi là điểm sáng cải cách nhưng công bằng thì nhiều chính sách chẳng qua sửa lại một văn bản sai phạm, cản trở phát triển kéo dài, DN nói quá nhiều thì thay thôi chứ chưa phải là chuyển động theo hướng thuận lợi hoá. Chúng ta mới làm việc gỡ đi 1 chút những cái khó, người ta kêu hoài ông cứ ỳ ra đấy không chịu thay đổi mà chỉ mới nhúc nhích được "một tý". Còn những cái mới, mang lại tính chất hỗ trợ chưa thấy được bao nhiêu.
Năm 2018, đến thời hạn WTO xóa cơ chế phi thị trường cho Việt Nam, thừa nhận nước ta có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Tuy nhiên, chớ vội mừng mà phải nhìn xem Trung Quốc năm 2016 đến hạn WTO xóa cơ chế phi thị trường, tuy nhiên sau đó nhiều nước Mỹ và EU không công nhận nước này là nền kinh tế thị trường. Còn Việt Nam thế nào đây, đến năm 2018 mà chúng ta không cải cách, không thể hiện quyết tâm rất mạnh đi theo hướng thị trường liệu có bị không công nhận không? Không còn là lúc chần chừ, do dự.
Vấn đề sát sườn là thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN năm 2018 sẽ được giảm về 0% rất nhiều, trong đó nhiều mặt hàng có độ nhạy cảm cao như máy móc, ô tô, vật liệu xây dựng, hóa chất... Đây là những thách thức cực kỳ lớn đối với khu vực sản xuất trong nước khi phải đối phó với vấn đề cạnh tranh ngay trên sân nhà...
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguyễn Tuyền
(Lược ghi)