Chuyện người già và bài toán nhà dưỡng lão

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Trước hết, xin nêu một thông tin rất phấn khởi, đó là theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở (TĐTDS) 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi...

Chuyện người già và bài toán nhà dưỡng lão - 1

Nhìn lại 60 năm trước (1960), tuổi thọ bình quân của người Việt là 40,0 tuổi, thấp hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 8 tuổi (48,0 tuổi). Nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì để bằng mức chung của thế giới, Việt Nam cần khoảng 80 năm.

Thế nhưng năm 2019, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 72,0 tuổi, của dân số Việt Nam đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi.

Điều này cho thấy cùng với sự phát triển kinh tế, sự thay đổi môi trường sống và phát triển của y học thì công tác chăm sóc người cao tuổi đã có những đóng góp không nhỏ.

Song, cái gì cũng có hai mặt. Khi tuổi thọ tăng, cũng đồng nghĩa với tỉ lệ người cao tuổi tăng lên.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên ở nước ta khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% dân số. Con số này năm 2050 sẽ khoảng 27 triệu người, tương đương 25% dân số. 

Xin không bàn rộng ra nhiều vấn đề phức tạp sẽ nảy sinh khi dân số già tăng cao, chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ, đó là việc chăm sóc người cao tuổi trong mỗi gia đình hiện nay và trong tương lai.

Về truyền thống, dân tộc ta có một tinh thần hiếu đễ rất đáng trân trọng. Đó là người già, được con cháu chăm sóc trong chính ngôi nhà của mình và những gia đình "Tam đại đồng đường - ba thế hệ sống chung một nhà", thậm chí "Tứ đại đồng đường" là niềm hạnh phúc và cả tự hào.

Tuy nhiên, với đặc trưng của  đời sống thuần nông thì đây là hình thức thích hợp cả về sinh hoạt cũng như đạo lý. Song, với cuộc sống công nghiệp hiện đại, lối sống này gặp không ít trở ngại.

Trong gia đình, nếu còn cả bố mẹ thì ông bà có thể vừa tự chăm sóc nhau, vừa có người trò chuyện cho bớt cô đơn. Nếu chỉ còn một vế thì sẽ là điều đáng sợ bởi cô đơn chính là một trong ba bi kịch (con hư, bệnh tật, cô đơn) lớn nhất của kiếp người.

Việc con cái chăm sóc bố mẹ cũng không phải là giải pháp hoàn hảo bởi nếu còn trẻ, họ phải bươn chải và nếu cũng cao tuổi, ví dụ bố mẹ 85-90, các người con cũng 65 - 70 tuổi thì thực chất là cụ già này chăm cụ già khác.

Tóm lại, đây là bài toán nan giải không chỉ với Việt Nam nên chọn giải pháp nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố của mỗi gia đình từ tình cảm, tâm lý, điều kiện kinh tế đến mong muốn của bậc sinh thành.

Song, theo tôi, nếu có điều kiện, cách tốt nhất là dành riêng cho các cụ một không gian thích hợp, tìm người giúp việc khỏe mạnh, được đào tạo bài bản và là người có tấm lòng nhân ái chăm sóc các cụ.

Còn nếu không được thế, có lẽ nên mời các cụ vào nhà dưỡng lão vừa có sự chăm sóc chu đáo, có kỹ năng vừa giúp các cụ tránh khỏi sự cô đơn.

Song, muốn vậy, về phía dư luận, có lẽ không nên đặt vấn đề đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão là bất hiếu và về phía các cụ, cũng nên chủ động nêu quan điểm để "giải cứu" cho cháu con.

Về kinh tế, ngoài việc khi cao tuổi, dù ít dù nhiều cũng cố gắng có "đồng vốn giắt lưng" san sẻ cùng với cháu con gánh nặng này. Về nhà nướcc, có lẽ đã đến lúc cần có Quỹ hỗ trợ tài chính để công dân có một tuổi già yên tâm.

Đã hơn 60 tuổi nên người viết bài này đang suy nghĩ đến phương án nhà dưỡng lão, còn các bạn nghĩ gì về giải pháp này?