Cái chết của Lão Quềnh, nghĩ về câu “trời có mắt” hay “không có mắt”?

(Dân trí) - Cuộc sống thật giản dị. Có ai đó đã nói đại để rằng hãy sống để “Khi ta sinh ra, ta khóc mọi người cười còn khi ta chết đi, ta cười, mọi người khóc” chứ đừng ngược lại. Thậm chí, chỉ cần một điều giản dị hơn, đó là nếu như trong đời gặp một điều gì không may, người đời bảo “Giời không có mắt” chứ đừng để họ buông một câu xanh rờn “Giời có mắt”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thế là “lão Quềnh” đã ra đi. Không, nói đúng hơn là Nghệ sĩ Hán Văn Tình đã về nơi cực lạc nhưng Chu Văn Quềnh thì không, lão ở lại thế giới này với những người yêu thích lão, yêu thích cái câu nói nổi tiếng “không hoãn cái sự sung sướng lại” trong bộ phim truyền hình “Đất và Người” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dựa theo tiểu thuyết cũng rất nổi tiếng “Mảnh đất lắm người, nhiều ma” của Nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Cũng phải nói luôn rằng sự ra đi của Nghệ sĩ Hán Văn Tình không phải là đường đột. Nó đã được báo trước từ giữa năm 2015, khi các thầy thuốc phát hiện ra anh mắc chứng ung thư phổi.

Không đường đột, song vẫn bất ngờ bởi dù mong manh, nhiều người vẫn nuôi hi vọng ở một phép màu nào đó đến với lão. Lý do là bởi họ yêu quý lão, họ không chấp nhận cái chết nơi lão cũng như họ đã từng không chấp nhận sự ra đi của Nghệ sĩ Trịnh Thịnh, "Trưởng thôn" Văn Hiệp, Nhạc sĩ Trần Lập và xa hơn nữa, là sự ra đi của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhà thơ Phạm Tiến Duật…

Vì sao sự ra đi của họ, những người vốn không có “chức trọng, quyền cao” cũng không phải đại gia hay người đẹp nhưng lại được công chúng xót thương như người thân làm vậy? Thậm chí nhìn ở gốc độ “thực dụng”, họ chẳng có lợi gì cho công chúng cả mà cụ thể hơn, chẳng ai hết đói nhờ nghe nhạc Trịnh Công Sơn hay Trần Lập hát. Cũng chẳng có ai khỏi bệnh hiểm nghèo mà không cần thuốc men nhờ xem Hán Văn Tình diễn hay đọc thơ Phạm Tiến Duật.

Nhưng họ được yêu mến bởi họ đã mang đến cho cuộc đời này những món ăn vô giá mà nhiều khi còn hơn cả những vật chất thông thường. Đúng là không ai nhịn ăn nhờ nghe nhạc Trịnh nhưng nhờ nghe nhạc Trịnh, người ra sống nhân ái hơn, yêu thương hơn. Đúng là không ai khỏi bệnh hiểm nghèo chỉ vì xem Hán Văn Tình nhưng nhờ có những vai diễn của anh, người ta yêu và thấu hiểu cuộc đời hơn…

Mới biết suy cho cùng, cuộc sống thật giản dị. Có ai đó đã nói đại để rằng hãy sống để “Khi ta sinh ra, ta khóc mọi người cười còn khi ta chết đi, ta cười, mọi người khóc” chứ đừng ngược lại. Thậm chí, chỉ cần một điều giản dị hơn, đó là nếu như trong đời gặp một điều gì không may, người đời bảo “Giời không có mắt” chứ đừng để họ buông một câu xanh rờn “Giời có mắt”.

Cuộc đời luôn có hai mặt. Có những người mất đi trong sự thương xót vô tận nhưng cũng có người sống trong căm giận. Cũng như trong cuộc sống, có những người ngẩng cao đầu nhưng cũng có những người thậm chí chức trọng, quyền cao nhưng buổi cuối đời “cúi đầu lầm lũi mà đi” như lời của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Trong cuộc đời người “cầm cân nảy mực,” nhân danh công lý, khi phán quyết phải nghĩ rằng đến lúc về già phải thấy tự hào với con cháu, dòng họ, đồng đội, đồng chí và nhân dân rằng mình đã mang lại công lý cho mọi người, chứ không phải cúi đầu lầm lũi mà đi ở buổi cuối đời”.

Trở lại với sự ra đi của Hán Văn Tình, theo dự kiến, lễ viếng sẽ diễn ra từ 13h30 đến 15h30 ngày 7/9 tại nhà tang lễ Phùng Hưng (Hà Nội) rồi hỏa thiêu. Vào 14h ngày 12/9, tro cốt của nghệ sĩ sẽ được gia đình đưa về an táng tại khu nhà vườn, xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Xin hãy cầu nguyện cho “lão Quềnh” Hán Văn Tình và muốn nói với anh rằng “Quềnh ơi! Hãy mỉm cười nơi chín suối” bởi những nụ cười anh đã để lại cho cuộc đời này và dù còn sống hay đã mất, anh vẫn ngẩng cao đầu phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám