Buồn vì sự "tử tế" của Bộ Giao thông Vận tải

(Dân trí) - Một câu chuyện không nhỏ gây bức xúc dư luận tuần trước là việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bất ngờ đưa ra chính sách mới, không bắt buộc người có Giấy phép lái xe (GPLX) ô tô phải đổi giấy phép vật liệu giấy sang vật liệu nhựa (PET) trước ngày 31/12/2016.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Người viết bài này cũng đã từng đọc Điều 57 tại Thông tư 58/TT-GTVT của Bộ GTVT (quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ) và thắc thỏm lo ngại tờ GPLX của mình sẽ hết hạn chỉ trong khoảng 1 tháng nữa mà không kịp đổi. Không nói đến tiền, việc phải thi lại lý thuyết để được cấp phép quả thực là một sự phiền toái không hề nhỏ.

Cho nên, việc Bộ GTVT bất ngờ đưa ra một Thông tư mới sửa đổi, bổ sung Thông tư 58 không còn bắt buộc phải đổi GPLX ô tô và giấy phép hạng A4 bằng vật liệu giấy sang vật liệu PET vào ngày cuối cùng của năm khiến chính tôi mới nghe cũng thấy bất ngờ và có cả chút mừng rỡ nhưng cũng không ít hoang mang.

Nhưng hoá ra, những người như tôi lại không còn nhiều. Theo như chính thông tin từ ngành GTVT thì số người chậm đổi GPLX chỉ còn chưa đầy 300 ngàn người trong khi, số người đã "ngoan ngoãn" làm theo quy định của Bộ đã gần 5,3 triệu người. Và đây là một lý do chính tại sao người ta lại giận dữ với sự thay đổi của Bộ GTVT.

Bởi vì sao? Vì rằng, người ta đã lo lắng, đã tin vào chính sách của ngành giao thông, đã tin rằng sự cần thiết của việc đổi GPLX từ bản giấy sang bản nhựa là cấp thiết, đa số đã nghiêm túc thực hiện, đã mất tiền- một khoản cũng không nhỏ cho việc thay đổi đó... nhưng sự thay đổi đột ngột "vào phút 89" của Bộ GTVT thực sự khiến không ít người dân cảm thấy ngỡ ngàng.

Lãnh đạo của Bộ GTVT đã trả lời với báo chí rằng, sau một năm ban hành Thông tư 58, Bộ này đã nhận thấy sự bất cập nên thấy cần thiết phải thay đổi theo hướng vận động người dân đổi GPLX qua thẻ PET để "quản lý tốt hơn". Trả lời Vietnamnet, một lãnh đạo Bộ này còn nói: “Bất cập ở đây là Bộ Giao thông đưa ra thời gian nhất định để đổi, nếu không đổi phải thi lại lý thuyết, Bộ đã thấy việc này bất cập gây phiền hà cho người dân nên đã cầu thị sửa luôn, không để trường hợp nào phải thi lại lý thuyết như trong thông tư quy định”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường còn nói rằng: “Khi tiến hành đổi GPLX Bộ cũng đã tính đến phương án miễn phí cho người dân, tuy nhiên khi thống kê thì số tiền khá lớn nên trong quá trình thực hiện rất mong người dân chia sẻ với cơ quan nhà nước để góp phần vào việc quản lý GPLX tốt hơn. Không chỉ chống làm giả mà người dân sẽ có GPLX tốt hơn, bền hơn, đặc biệt là GPLX ô tô, xe máy chỉ cấp một lần”.

Thoạt nghe những lời trên, người ta dễ tưởng việc Bộ GTVT sửa Thông tư để hàng chục vạn người dân không phải lo lắng, mất công đi đổi GPLX làm gì nữa, không lo phải đi thi lại lý thuyết nữa... như là một sự thông cảm, chia sẻ với người dân vậy.

Nhưng đáng tiếc, những việc này, xem lại hoá ra không phải do Bộ GTVT tự nguyện làm. Tất cả những lời này chỉ là sự thanh minh, bởi việc thay đổi này như nhiều người bình luận, đó là sự thay đổi "vào phút 89", khi chỉ còn 1 tháng nữa là hết hạn phải đổi GPLX như quy định và cũng không còn quá nhiều người chưa đi đổi giấy phép.

Và ngay cả những phát ngôn để thể hiện "lòng tốt" của Bộ GTVT, cũng sẽ khiến không ít người dân cảm thấy nghi ngờ. Bởi như Dân trí đã đưa tin, trước khi Bộ GTVT công bố thông tin sẽ sửa Thông tư 58 thì Cục Kiểm tra Văn bản của Bộ Tư pháp đã chính thức "tuýt còi" Thông tư này, nêu rõ: Điều 57 của Thông tư 58 là "không có cơ sở pháp lý".

Ở câu chuyện trên, qua các số liệu mà chính ngành GTVT đã công bố, rõ ràng là từ khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 58 đến nay, người dân đã có ý thức chấp hành pháp luật rất tốt. Đại đa số người dân đã thực hiện quy định của ngành. Nhưng việc Bộ này đùng một cái, thay đổi chính sách với những lý do như đã nói quả là khó thông cảm. Nó thể hiện sự bất nhất trong việc ban hành, thực hiện chính sách pháp luật. Nếu cứ giữ cách làm này, sau này, Bộ xây dựng, ban hành các chính sách tương tự, cần sự đồng thuận của người dân, e là sẽ không dễ dàng.

Câu chuyện này có lẽ cũng không chỉ xảy ra ở ngành GTVT. Ở bộ nọ, ngành kia, thực tế vẫn tồn tại không ít chính sách, quy định bất hợp lý tương tự. Chỉ khi qua rà soát, sàng lọc của cơ quan kiểm soát văn bản, chính sách, qua giám sát của người dân mới lộ ra những bất cập đó thì các bộ, ngành lại chỉ ra một quyết định "sửa đổi, bổ sung" là coi như xong mà không hề có sự bồi thường, thậm chí nửa lời xin lỗi cho người dân cũng không có và những người tham mưu cho lãnh đạo ký, thông qua các quyết định đó lại chẳng ai làm sao. Do đó, sau những việc như vậy, lãnh đạo các ngành nên cần phải có kiểm tra, kỷ luật những cán bộ, công chức tham mưu chính sách sai để làm gương và cũng để đỡ khổ dân, đỡ mất uy tín của người ký, ban hành chính sách.

Mạnh Quân