1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ GTVT cần xem xét khắc phục hậu quả việc đổi giấy phép lái xe còn hạn

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - cho rằng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần có ngay biện pháp để người dân cả nước thấy rằng không còn bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe còn hạn (ô tô), vô thời hạn (xe máy) sang thẻ PET nữa; đồng thời xác định rõ thiệt hại để khắc phục hậu quả.

Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh: Bộ Tư pháp)
Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh: Bộ Tư pháp)

- Xin ông cho biết kết quả buổi làm việc giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) hôm qua (1/12) liên quan đến việc “tuýt còi” nội trung trái luật của Thông tư số 58/2015, bắt buộc người dân đổi giấy phép lái xe còn thời hạn sang thẻ PET, ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của người dân, gây bức xúc dư luận mấy ngày qua?

- Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan trực tiếp xây dựng, thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe - đã sang làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Họ đã tiếp thu hết cái sai mà chúng tôi chỉ ra và hứa sẽ sửa ngay trong mấy ngày tới thôi.

Họ có trao đổi và khẳng định quan điểm đảm bảo việc người dân có bằng vô thời hạn, còn thời hạn thì chuyển hay không chuyển đổi sang cái mới, thẻ PET là quyền của người dân. Phải thể hiện là quyền của người ta, không bắt buộc được.

Họ rất cầu thị, nhận thức ra sai sót và hứa sẽ xử lý.

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ bỏ ngay quy định buộc người dân sát hạch lại lý thuyết nếu không đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET?

- Đương nhiên phải bỏ và thông tư mới sẽ không được đặt ra bất cứ chế tài nào trong việc đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET thì mới đúng luật.

- Việc xây dựng thông tư mới, thay thế Thông tư 58/2015 của Bộ Giao thông vận tải sẽ phải xin ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật?

- Họ nói đã công khai dự thảo lên website của đơn vị để xin ý kiến góp ý của người dân rồi. Quy trình xin ý kiến góp ý phải đúng theo quy định của pháp luật về xây dựng 1 thông tư chứ, để người dân, báo chí phản ánh xem những quy định như vậy đã được chưa. Việc này rất cần thiết nhằm đảm bảo hợp pháp về quyền lợi cho người dân.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tuýt còi quy định bắt buộc đổi giấy phép lái xe bìa giấy sang thẻ PET của Bộ Giao thông vận tải.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật "tuýt còi" quy định bắt buộc đổi giấy phép lái xe bìa giấy sang thẻ PET của Bộ Giao thông vận tải.

Phải khắc phục ngay hậu quả, ngăn chặn tác động tiêu cực

- Việc xin ý kiến, ban hành thông tư mới phải mất một khoảng thời gian nhất định. Theo ông trước mắt Bộ Giao thông vận tải cần xử lý ngay vấn đề này như thế nào khi báo chí vẫn phản ánh ở nhiều địa phương, trong đó có cả Hà Nội, người dân xếp hàng từ sáng sớm để chờ làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe vì sợ quá hạn phải sát hạch lại lý thuyết?

- Bộ Giao thông vận tải cần có ngay biện pháp để người dân cả nước thấy rằng không còn quy định bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe còn hạn (ô tô), vô thời hạn (xe máy) sang thẻ PET nữa. Người dân có nhu cầu thì đổi, không có nhu cầu thì thôi, giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng thì vẫn sử dụng được bình thường. Việc này rất quan trọng để ngăn chặn các tác động tiêu cực cho đời sống xã hội.

- Đến khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) “tuýt còi” thì đã có rất nhiều người dân mang giấy phép lái xe còn thời hạn hoặc vô thời hạn đi làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe thẻ PET. Điều này đã gây ra tốn kém rất lớn về thời gian và tiền bạc cho người dân trên cả nước. Hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư có quy định trái luật, gây thiệt hại cho người dân như vậy thì phải bồi thường, xin lỗi?

- Rõ ràng việc xác định hậu quả tiêu cực gây ra thì Bộ Giao thông vận tải sẽ phải xem xét và khắc phục hậu quả theo quy định của Chính phủ. Phải xác định rất rõ thiệt hại như thế nào, yêu cầu từ phía người dân ra sao...

Hiện nay, Luật trách nhiệm bồi thường trách nhiệm của Nhà nước chưa quy định về bồi thường do ban hành văn bản sai, nhưng trong quy định của Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý văn bản có quy định về việc cơ quan ban hành văn bản trái luật phải khắc phục hậu quả. Tôi khẳng định quy định về khắc phục hậu quả thì đã có rồi.

- Trong cuộc họp hôm qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có nói tới việc xử lý kỷ luật đối những tập thể, cá nhân đã tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư có quy định trái luật gây thiệt hại cho người dân như yêu cầu của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hay không?

- Cuộc gặp mới chỉ đặt vấn đề về nội dung của thông tư áp dụng trực tiếp với người dân. Còn những vấn đề xử lý trách nhiệm thì chưa có thông tin trao đổi, bởi đề xuất đó được chúng tôi dẫn ra từ Nghị định của Chính phủ, khi tham mưu ký ban hành quy định trái luật thì phải xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những người tham mưu.

Hàng trăm người dân vây kín Bưu điện Thị xã Dĩ An, Bình Dương để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET vì sợ phải sát hạch lại lý thuyết (Ảnh: Đăng Lê)
Hàng trăm người dân vây kín Bưu điện Thị xã Dĩ An, Bình Dương để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET vì sợ phải sát hạch lại lý thuyết (Ảnh: Đăng Lê)

Bộ Tư pháp chỉ được xin ý kiến, không thẩm định Thông tư 58/2015

- Ông lý giải thế nào về chuyện đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải khẳng định trước khi ban hành Thông tư số 58/2015 đã xin ý kiến Bộ Tư pháp và được Bộ Tư pháp đồng ý thì mới ban hành?

- Theo quy định, trước khi ban hành thông tư như vậy, Bộ Giao thông vận tải có thể gửi văn bản xin ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp chỉ góp ý khi nó còn là dự thảo, còn từ dự thảo tới lúc ban hành chính thức có thể có thay đổi thì không thể biết được. Riêng Cục Kiểm tra văn bản không nhận được văn bản xin ý kiến góp ý nào của Bộ Giao thông vận tải cả.

Tôi cũng phải khẳng định lại rằng Bộ Tư pháp không có thẩm quyền thẩm định thông tư của các bộ ngành khác trước khi bộ ngành đó ký ban hành chính thức. Bộ Tư pháp chỉ có thẩm quyền chính thức kiểm tra thông tư sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký ban hành chính thức và gửi văn bản chính thức về thông tư đó cho Bộ Tư pháp kiểm tra. Phải hiểu đúng câu chuyện như vậy.

Thông tư này được Bộ Giao thông vận tải ban hành vào cuối năm 2015 nhưng rất lâu sau đó Cục Kiểm tra văn bản mới nhận được và đã vào cuộc kiểm tra theo quy định.

- Cũng đang có những ý kiến cho rằng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc, “tuýt còi” thông tư này hơi chậm trễ?

- Như tôi đã nói, sau khi ký ban hành thông tư, Bộ Giao thông vận tải sẽ gửi văn bản cho Bộ Tư pháp. Khi nhận được thông tin chính thức thì lúc ấy Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật mới tác nghiệp theo quy định và thẩm quyền. Để kiểm tra một thông tư như thế này cũng cần có thời gian nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia mới đưa ra kết luận chính thức.

Sau khi thông tư được ban hành một thời gian khá dài thì chúng tôi mới nhận được chính thức từ Bộ Giao thông vận tải. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã có trao đổi với bên đó rồi, gần đây mới có ý kiến chính thức. Chúng tôi cũng có ý kiến nhắc nhở chính thức tại cuộc họp rồi.

Cục Kiểm tra văn bản đã làm việc rất trách nhiệm. Để kết luận được như vậy phải trải qua qúa trình kiểm tra, nhắc nhở với cơ quan ban hành văn bản - Bộ Giao thông vận tải trong cuộc họp trước đó rồi.

- Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm