Bộ trưởng Phạm Vũ Luận rút lui “trận đánh nhỏ”

(Dân trí) - Không phải chỉ trả lời trên báo chí về gói 34.000 tỉ đồng với những giải thích làm dư luận còn hoài nghi, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội ngày 25.4, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã xin rút nội dung thảo luận về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Đã có nhiều ý kiến tâm huyết liên quan đến đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Có những ý khá gay gắt, chỉ ra những hạn chế liên quan đến công việc này, nhưng tất cả đều xuất phát từ trách nhiệm của trí thức và trách nhiệm công dân đối với nền giáo dục quốc gia.

 

Điều đáng ghi nhận là Bộ Giáo dục và Đào  tạo đã biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản biện từ xã hội và nhanh chóng điều chỉnh, ít nhất là trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa vừa mới trình làng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận quyết định rút lui “trận đánh nhỏ” này để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho một “trận đánh lớn” như ông từng tuyên bố. Bởi vì, nếu không khéo, mới ra quân trận đầu mà thất bại thì trận đánh lớn sẽ khó có cơ hội chiến thắng.

 

Nhưng sau khi rút lui thì chuẩn bị những gì và chuẩn bị như thế nào để có một đề án mới khả thi hơn, tiết kiệm và hiệu quả hơn mới là vấn đề cần đặt ra. Lâu nay, có quá nhiều phân tích chỉ ra những sai sót về học thuật và hạn chế về giáo dục của các bộ sách cũ. Nhưng trên thực tế chưa có sự tiếp thu nghiêm túc, những sửa đổi nếu có, thì cũng manh mún, rời rạc, như vá những mảnh vải khác nhau trên một chiếc áo cũ. Điều phải làm là thay luôn một chiếc áo mới.

 

Nhiều trí thức trong và ngoài nước đề xuất nên xã hội hóa việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa để đỡ gánh nặng cho ngân sách và huy động được trí tuệ của xã hội. Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ đưa ra chương trình khung, còn lại là việc của các nhóm tác giả tham gia. Các nhóm tác giả tự biên soạn, hợp tác xuất bản, bán ra thị trường. Bộ sách của tác giả nào được giáo viên, học sinh , phụ huynh đánh giá cao và sử dụng thì họ tồn tại. Quy luật cạnh tranh của thị trường sẽ sàng lọc và cho ra đời những sản phẩm tốt nhất. Độc quyền biên soạn và độc quyền xuất bản đã tạo ra những sản phẩm kém chất lượng như chúng ta đã chứng kiến và trả giá.

 

Miền Nam trước 1975, có rất nhiều tác giả biên soạn sách giáo khoa rất tốt, họ không cần dựa vào bất kỳ sự hỗ trợ nào từ nhà nước. Sản phẩm của họ được thị trường chấp nhận vì chất lượng cao, không dựa vào sự nâng đỡ của một cơ chế độc quyền.

 

Còn có những đề xuất khác tưởng cũng nên tham khảo, đối với các bộ môn khoa học tự nhiên, chỉ cần tham khảo sách của các nước có nền giáo dục tiên tiến, không phải mất công, mất tiền để biên soạn như cách làm cũ. Sách giáo khoa là giáo cụ, cái gì hay, cái gì tốt thì sử dụng, đơn giản như vậy mà thôi.

 

Đừng tính tới bao nhiêu ngàn tỉ đồng, mà tính cách làm hiệu quả nhất. Xóa bỏ độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa là cách làm sẽ mang đến hiệu quả.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!