Bạo hành, đánh đập trẻ nhỏ, đã đến lúc pháp luật không thể nương tay?
(Dân trí) - Tôi không cổ xúy cho việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, nhưng bạo hành, xâm hại trẻ em là vi phạm pháp luật, không thể nói kỷ luật, đuổi việc là xong.
Sáng nay tiễn con đi học, con bi bô chào mẹ và háo hức sà vào lòng các cô. Nhìn bạn bè con hồn nhiên, vô tư chạy nhảy ở trường, tôi lại không cầm lòng nổi khi nghĩ đến ở đâu đó, những thiên thần nhỏ như các con đang phải chịu sự hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần, ở nơi mà bố mẹ các con gửi gắm hết niềm tin, hy vọng vào các cô nuôi dạy trẻ.
Bật máy tính lên, ngập tràn các trang mạng xã hội và báo chí là đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo dùng dép tổ ong tát vào mặt và thúc đầu gối vào bụng trẻ ngay tại một lớp học mầm non nằm giữa lòng Thủ đô Hà Nội (nhóm lớp Sen Vàng - phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng).
Tôi không thể nào kiềm nổi phẫn nộ, tự hỏi tại sao người ta có thể làm điều đó với những đứa trẻ không hề có sức phản kháng. Chúng mới chỉ 2-3 tuổi, còn chưa phân biệt hết tốt xấu, chưa thể tự chăm lo cho bản thân mình.
Đoạn clip dài hơn 2 phút chứa đầy hình ảnh bạo lực, những ngôn từ chợ búa: “Mày có biết cái gì không?”, “ngậm mồm”… thật không tin được lại phát ra từ miệng những cô dạy trẻ, những người mà nhẽ ra phải dạy cho các con biết nói nhẹ nhàng, yêu thương, những người đã được bố mẹ các con trả tiền để lo lắng bữa ăn, giấc ngủ cho các con… Thế mà nay, chỉ vì đứa trẻ tè, ị ra quần, những “bảo mẫu” ấy ngang nhiên đánh đập, quát mắng.
Những vết bầm tím trên người những đứa trẻ, theo thời gian có thể là vài ba ngày, một tuần, hai tuần rồi cũng sẽ mất. Nhưng vết sẹo trong tâm hồn trẻ thơ thì sẽ không bao giờ lành lại, những chấn thương về tâm lý và sự ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, nhận thức của con trẻ thì không thể nào đo đếm nổi.
Bố mẹ nào cũng đều biết rằng, 6 năm đầu đời là độ tuổi vàng của trẻ, đặc biệt là 3 năm đầu tiên, khi các con đang độ tuổi phát triển nhận thức và cảm nhận với cuộc sống xung quanh. Chính vì vậy, bất cứ bậc phụ huynh nào, dù làm gì, ở đâu cũng đều cố gắng gửi gắm con ở những nơi tốt nhất trong khả năng tài chính của mình.
Không phải gia đình nào cũng có điều kiện gửi con vào trường quốc tế và cũng không phải ai cũng thuận tiện để gửi con học trường công. Trường tư thục là lựa chọn của nhiều cha mẹ hiện nay, khi mà ở đâu cũng đều được giới thiệu dạy trẻ theo nhiều phương pháp, đội ngũ giáo viên trẻ, lành nghề… Những điều đó, bố mẹ các em không thẩm định được. Điều mà các bố mẹ có thể làm là gửi tiền hàng tháng, theo dõi, giám sát qua camera.
Thế rồi, năm này qua năm khác, hết các địa phương đến Hà Nội, dăm ba tháng một lần lại xuất hiện một vụ bạo hành trẻ em bị lộ ra. Đó là những trường hợp trích xuất được từ camera hoặc do người khác quay lại được, còn những trường hợp khác không ai phát giác thì có lẽ, người ta coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhiều đứa trẻ vẫn khóc lóc mỗi khi đến trường, nhiều em bé vẫn về nhà trong tình trạng táo bón vì “nhịn” vệ sinh, nhiều nỗi sợ vẫn bủa vây các con trong những giấc ngủ không tròn giấc…
Sau mỗi lần chuyện vỡ lở như thế, mạng xã hội lại sôi sục căm phẫn, các cô giáo và người nhà lại đến tận nơi xin lỗi phụ huynh, rằng vì tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm còn thiếu và vì trong giây lát nào đó các cô cũng nóng giận bởi phải trông quá nhiều trẻ nên không kiểm soát được mình… Một số trường hợp bị kỷ luật, một số trường hợp bị đuổi việc, chấm dứt hợp đồng, không ai đảm bảo rằng, liệu có xảy ra trường hợp tương tự tại cơ sở cũ hay không và những “cô giáo hổ dữ” này nếu tiếp tục công việc cũ thì có tái phạm?
Trong vụ việc này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra làm rõ vụ việc, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm về công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đặc biệt là việc quản lý, cấp phép hoạt động các nhóm lớp độc lập tư thục. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Sở GD&ĐT xem xét xử lý nghiêm 2 cô giáo trường mầm non Sen Vàng đánh học sinh. Hai cô giáo này đã bị cho thôi việc.
Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc, quản lý nhà trường không thể nào vô can, đứng ngoài cuộc. Bởi công tác tuyển dụng giáo viên mầm non thiếu bằng cấp, nghiệp vụ trước hết là lỗi người quản lý; việc giám sát lỏng lẻo để xảy ra sự việc cũng có trách nhiệm của nhà trường.
Tôi không cổ xúy cho việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, nhưng bạo hành, xâm hại trẻ em là vi phạm pháp luật, không thể nói kỷ luật, đuổi việc là xong. “Trẻ em như búp trên cành”, ngoài gia đình, bố mẹ, trẻ em cần phải được xã hội và luật pháp bảo vệ. Nếu như không có một chế tài đủ mạnh, đủ tính răn đe thì sự an toàn của con em chúng ta sẽ vẫn sẽ rất mong manh.
Bích Diệp