1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hà Nội: Dấu hiệu hình sự trong vụ 2 cô giáo tát trẻ mầm non

(Dân trí) - Theo phân tích của luật sư Tạ Anh Tuấn, hành vi đánh trẻ mầm non của hai cô giáo ở nhóm lớp Sen Vàng có dấu hiệu phạm tội “Hành hạ người khác”. Nếu bị khởi tố, điều tra về tội danh trên, hai cô giáo phạm sẽ đối diện với mức hình phạt tù từ 1 đến 3 năm.

Như Dân trí đã đưa tin, Công an quận Hai Bà Trưng đang xác minh, làm rõ vụ việc hai cô giáo có hành vi đánh trẻ mầm non tại nhóm lớp Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bước đầu, tại trụ sở công an, hai cô giáo Nguyễn Thị H. N. (SN 1995) và Đặng Thị B. (SN 1994) thừa nhận, do bức xúc vì các cháu bé khóc nhiều, đi ngoài ra quần nhiều lần nên đã dùng dép, thước kẻ đánh vào đầu, mặt và thúc đầu gối vào bụng các cháu.

Hình ảnh hai cháu bé bị đánh ở cơ sở mầm non. (Ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh hai cháu bé bị đánh ở cơ sở mầm non. (Ảnh cắt từ clip)

Hiện cơ quan công an vẫn tiếp tục làm rõ để có căn cứ xử lý đối với hai cô giáo trên.

Đánh giá về vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng phòng tranh tụng - Công ty Luật TNHH Vietthink (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi đánh trẻ mầm non của hai cô giáo là không thể chấp nhận được, cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Tuấn, hành vi của hai cô giáo có dấu hiệu phạm tội “Hành hạ người khác” theo Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng phòng tranh tụng - Công ty Luật TNHH Vietthink.
Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng phòng tranh tụng - Công ty Luật TNHH Vietthink.

“Hành vi của hai cô giáo dùng dép, thước kẻ đánh vào đầu và dùng lời lẽ đe dọa, uy hiếp tinh thần các cháu thỏa mãn đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh này. Về mặt khách thể, hành vi đánh đập, dùng lời lẽ dọa nạt, uy hiếp tinh thần xâm phạm đến quyền được bảo hộ đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự của người bị lệ thuộc là các cháu ở tuổi mầm non được Luật Trẻ em bảo vệ. Mặt khách quan: hai cô giáo đã thực hiện hành vi phạm tội như dùng dép, thước kẻ đánh vào đầu, dùng lời lẽ dọa nạt, uy hiếp, gây đau đớn về thể xác, đè nén, áp bức về mặt tinh thần, khiến các cháu lo sợ, hoảng loạn. Về chủ thể tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên, nạn nhân là người bị lệ thuộc. Trong vụ việc này, nạn nhân là các cháu học sinh ở tuổi mầm non bị chính các cô giáo là người nuôi dạy trực tiếp đánh đập, hành hạ. Mặt chủ quan: thực hiện hành vi do lỗi cố ý.” - luật sư Tuấn nhận định.

Từ những phân tích trên, luật sư Tạ Anh Tuấn đánh giá, nếu bị khởi tố, điều tra về tội danh “Hành hạ người khác”, hai cô giáo sẽ bị truy tố theo Điểm a, Khoản 2, Điều 110 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt tù từ 1 đến 3 năm.

Điều 110. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

b) Đối với nhiều người.

Tiến Nguyên