25 năm, một chặng đường gian nan nhiều thành tựu
(Dân trí) - 25 năm đã trôi qua kể từ ngày thành lập, Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn không những về quy mô, tầm cỡ mà cả vị thế...
Như "hai mái chèo" trong một con thuyền, cùng với ngành giáo dục, Hội Khuyến học đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của đất nước. 25 năm một chặng đường gian nan nhiều thành tựu!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc học hành. Ngay từ những ngày đầu giành độc lập, Người đã ký Sắc lệnh "Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Người từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".
Trong những ngày kỉ niệm này, xin kính cẩn trước hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Khuyến học Việt Nam với lòng biết ơn sâu sắc. Xin ghi nhận những đóng góp to lớn của các vị Chủ tịch tiền bối như GS Nguyễn Lân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm và Chủ tịch đương nhiệm, nguyên Phó Chủ tịch nước - GS Nguyễn Thị Doan, những người chèo lái con thuyền khuyến học những năm qua.
Đây cũng là nơi hội tụ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín như GS Nguyễn Văn Hiệu (Phó Chủ tịch Hội), GS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký)... và Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Tổng biên tập báo Dân trí - Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (GS Nguyễn Văn Hiệu làm Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng) với 15 lần trao giải thưởng thành công. Hiện, đang chuẩn bị cho lễ trao giải lần thứ 16.
Tại Lễ trao Giải thưởng lần đầu tiên (19.11.2005), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng, trong đó, Đại tướng viết: "Tôi gửi lời chúc cuộc thi Nhân tài đất Việt thực sự là một vườn ươm tài năng đất Việt".
Trải qua 1/4 thế kỉ, Hội Khuyến học Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Từ ban đầu chỉ khoảng 1 triệu hội viên, đến nay, con số này đã là 25 triệu, chiếm hơn 1/4 dân số cả nước.
Các cấp hội cũng không ngừng phát triển và lớn mạnh ở mọi miền đất nước, từ làng bản, xóm thôn, cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, dòng họ, gia đình đến mỗi cá nhân. Mối quan hệ với các cơ quan chính trị từ cơ sở đến Trung ương luôn khăng khít, chặt chẽ.
Mục tiêu chính của hội ban đầu tập trung vào các cấp học phổ thông thì giờ đây, Hội đã đi từ mô hình hiếu học sang mô hình học tập để cả nước trở thành xã hội học tập. Hiện nay, Hội đã và đang triển khai đào tạo theo hướng mở, tức là vừa đào tạo chính quy, vừa đào tạo thường xuyên, danh hiệu danh giá "Nông dân tự học thành tài", xây dựng và triển khai bộ tiêu chí "Công dân học tập", hướng tới giáo dục thường xuyên, học ở bất cứ đâu, học ở bất cứ hình thức nào...
Trước đây là phong trào gia đình hiếu học thì giờ đây là phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, đất nước học tập… Sự phát triển của mô hình này thể hiện sự thay đổi tư duy, nhận thức sâu sắc trong mỗi tổ chức, cá nhân. Xây dựng xã hội học tập không chỉ là sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, đó còn là đường lối dẫn bước cho Hội Khuyến học Việt Nam phát triển 25 năm qua.
Trả lời báo Dân trí, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Doan cho biết, qua khảo sát của 63 tỉnh thành phố, có đến 98% nhân dân cho rằng: "Nhờ có mô hình học tập mà gia đình có kinh tế khá giả hơn, con cái ngoan hơn, không bị các tệ nạn xã hội và dành nhiều thời gian để học tập. Dòng họ gắn kết với nhau hơn dẫn đến kinh tế địa phương phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và thúc đẩy xã hội học tập ở Việt Nam".
Cùng với các phong trào học tập, nhiều hoạt động xã hội như các quỹ: Khuyến học, Vòng tay đồng đội, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt… và gần đây là chương trình "Máy tính cho em"… đã thu được những thành công ngoài mong đợi.
Xin trích lời của Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Doan: "Trong 25 năm qua, chúng tôi làm được khá nhiều việc, đã đóng góp thúc đẩy sự học của đất nước mà học mới thành tài, học mới có thể phát triển được. Công tác thi đua, xây dựng xã hội học tập, khuyến học - khuyến tài phát triển mạnh mẽ...
Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động, là thành viên tích cực, là hội đặc thù được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng trong toàn bộ hệ thống thực hiện tốt nhất sự nghiệp của Đảng là xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, bằng tri thức".
Những đóng góp to lớn của những người làm Khuyến học Việt Nam 25 năm qua đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.
Để có được những thành tựu to lớn hôm nay là nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn cũng như sự quan tâm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không mệt mỏi của những người làm khuyến học, đặc biệt là sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nhiều năm qua.
Mong rằng Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống của mình, thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".