Vụ Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc: Tiết lộ "đối thủ tỷ đô", số phận "đất vàng"
(Dân trí) - Tuần qua, thông tin Chủ tịch Tân Hoàng Minh viết "tâm thư" xin bỏ cọc gây sự chú ý dư luận. Xung quanh sự việc này có nhiều ý kiến trái chiều.
Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm
Trao đổi với Dân trí chiều tối 11/1, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đã có tâm thư gửi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm.
Trước đó, chiều 11/1, trên thị trường xuất hiện bức "tâm thư" gửi tới lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước. Thư được ký tên bởi ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh. Ông Dũng đồng thời cũng là người đã trực tiếp tham gia đấu giá tại phiên đấu giá "vô tiền khoáng hậu" cách đây chưa lâu tại TPHCM.
Trong thư, ông Đỗ Anh Dũng bày tỏ việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích hơn 10.000 m2 và với mức trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng.
Tự ông Dũng cũng đánh giá đây mức giá "cao bất ngờ chưa bao giờ nghĩ đến".
Chủ tịch Tân Hoàng Minh viết gì trong "tâm thư" xin bỏ cọc đất Thủ Thiêm?
Trong tâm thư được ghi ngày 10/1 gửi đến các lãnh đạo cấp cao Trung ương, TPHCM, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3. Điều này đã được nêu trong quy định đấu giá và hợp đồng được ký kết 3 bên giữa doanh nghiệp, Trung tâm phát triển quỹ đất và Trung tâm đấu giá TPHCM.
Ông Dũng khẳng định sẽ chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật về việc đấu giá tài sản công.
Tiết lộ lý do bỏ cọc, ông Dũng viết trong "tâm thư": Sau khi trúng đấu giá với giá cao như vậy, chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng đấu giá trúng ở mức cao như vậy có thể dẫn tới hệ lụy không tốt. "Đặc biệt sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua", ông Dũng nêu trong thư.
Ông chủ Tân Hoàng Minh cũng nói thêm, việc này để "bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên...".
Đồng thời Chủ tịch Tân Hoàng Minh cũng gửi đến các lãnh đạo cấp cao "lời xin lỗi chân thành nhất".
"Đối thủ tỷ USD" đấu giá đất Thủ Thiêm với Tân Hoàng Minh là ai?
Sau khi Tân Hoàng Minh có văn bản xin bỏ cọc lô đất 3-12 thuộc Khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm dù đã trúng đấu giá, sự chú ý đang dồn về nhà đầu tư bỏ giá cao thứ hai là Công ty Cổ phần Capital One Financial.
Đặc biệt, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cũng viết trong bức "tâm thư" xin bỏ cọc rằng một trong những lý do bỏ giá cao là khi cuộc đua đấu giá chỉ còn lại giữa Tân Hoàng Minh và doanh nghiệp nói trên, ông không muốn lô đất được đánh giá đẹp nhất bán đảo Thủ Thiêm sẽ thuộc về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thực tế, công ty Capital One Financial so kè quyết liệt với Ngôi Sao Việt, công ty thành viên thuộc Tân Hoàng Minh, để giành quyền mua lô đất 3-12. Ở lần trả giá thứ 69, Capital One Financial đã đưa ra mức giá 23.800 tỷ đồng, vượt mốc 1 tỷ USD.
Dữ liệu thông tin về Công ty Cổ phần Capital One Financial trên Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, Công ty Cổ phần Capital One Financial được thành lập vào tháng 9/2018 với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng có 3 cổ đông sáng lập đều mang quốc tịch Việt Nam.
Cổ đông lớn nhất của công ty này đồng thời giữ chức danh Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật là ông Trương Hồng Võ (sinh năm 1970), góp vốn 600 tỷ đồng, tương đương 40% cổ phần. Hai cổ đông còn lại của Capital One Financial lần lượt là Lý Vĩ Hiền sở hữu 33,3% cổ phần và Lâm Xương Diệu nắm giữ 26,7% cổ phần...
Số phận lô đất Thủ Thiêm mà Chủ tịch Tân Hoàng Minh bỏ cọc sẽ ra sao?
Trao đổi với Dân trí, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị - cho biết nếu Tân Hoàng Minh đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản thì các cơ quan chức năng sẽ căn cứ để ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trước đó.
Điều này, theo ông Lực, đồng nghĩa với việc số tiền đặt trước (tiền cọc) sẽ mất. Ông cho hay, thời gian qua, việc bỏ cọc là bình thường trong các giao dịch trúng đấu giá. Riêng đối vụ việc của Tân Hoàng Minh thì số tiền cọc quá lớn (gần 600 tỷ đồng) với mức giá thì cao kỷ lục (hơn 2,4 tỷ đồng mỗi m2).
Cũng theo luật sư Lực, TPHCM sẽ phải tổ chức lại phiên đấu giá mới hoặc người trả giá cao thứ hai sẽ được mua lô đất với giá đã trả nếu như vẫn có nhu cầu mua.
Khoản 1 Điều 51 tại Luật đấu giá tài sản 2016 quy định rõ về việc từ chối kết quả trúng đấu giá:
"Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá. Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành".
Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc gần 600 tỷ đồng: Được gì, mất gì?
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cho biết doanh nghiệp đã trúng đấu giá nhưng bỏ cọc thì đương nhiên sẽ mất cọc.
Một vị chuyên gia có tên tuổi trong lĩnh vực kinh tế từng gây sự chú ý khi cho rằng ngay cả khi các doanh nghiệp thắng bỏ cuộc thì Nhà nước cũng thu lại được khoản tiền không hề nhỏ.
Những doanh nghiệp thắng đã "chơi ngông", bỏ những giá rất cao để khẳng định đẳng cấp hoặc vì những lý do khác thường nào đó và sẵn sàng bỏ cọc.
Tuy nhiên khi bình luận về số tiền ngân sách TPHCM sẽ thu được sau khi doanh nghiệp bỏ cọc, ông Trần Văn Lâm cho rằng nếu nhìn trước mắt thì đúng là có lợi. Nhưng lâu dài thì cũng có thể khác.
Ông Lâm phân tích, đối với Nhà nước thì không chỉ là vấn đề thu được ngân sách mà còn phải làm sao tạo ra môi trường, mặt bằng ổn định. Ông đặt giả thiết nếu tác động của những cuộc đấu giá đất cao bất thường này làm "nhiễu loạn" thị trường thì sẽ mất đi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững. Theo ông, bình ổn giá cả thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu ở thực có thể tiếp cận nhà ở là mục đích Nhà nước hướng tới thay vì chỉ là số thu ngân sách.