Đất nền ven đô Hà Nội khó bán vì một lý do
(Dân trí) - Thời gian qua, thanh khoản đất nền đã chững lại do mức giá rao bán đã tăng quá cao. Nhà đầu tư đang có xu hướng tìm về những nơi có giá đất thấp.
Thời gian qua, giá đất nền vùng ven Hà Nội liên tục tăng nóng. Theo báo cáo của một đơn vị nghiên cứu, trong những tháng đầu năm, giá rao bán đất nền vùng ven Hà Nội tăng từ 30% đến 80% tùy khu vực. Chẳng hạn, thị trường đất nền tại huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) đã ghi nhận mức tăng 74%.
Điều này cho thấy mặt bằng giá đất tại vùng ven vẫn có xu hướng tăng trưởng tốt sau một năm. Tuy nhiên, lượng quan tâm đến đất nền lại không tăng tương ứng, thậm chí có dấu hiệu đi ngang hoặc giảm nhẹ. Điều này phần nào phản ánh rằng số lượng giao dịch chưa có nhiều đột biến so với năm ngoái.
Theo báo cáo quý I của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) ,"sóng" đất nền xảy ra ở nhiều nơi với các mức độ khác nhau, nhất là tại các huyện vùng ven Hà Nội, xung quanh các dự án mới triển khai và khu vực đấu giá đất với mức giá rao bán tăng từ 30% đến 80%. Tuy nhiên, thực tế giao dịch chỉ phát sinh tại các lô đất giá trị dưới 2 tỷ đồng, có thể khai thác tạo dòng tiền.
Anh Vũ Thanh Tùng - chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội - nói, trong năm 2024, giá đất nền vùng ven đã liên tục tăng nóng theo các phiên đấu giá. Đầu năm nay, một số chủ đất tiếp tục tăng kỳ vọng nên nâng giá rao bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây rất khó giao dịch đất nền vì mức giá đã quá cao.
"Nhiều người vẫn có nhu cầu đầu tư đất nền ven đô. Tuy nhiên, vì giá đã quá cao nên họ chuyển hướng mua tại các tỉnh thành có giá đất nền vẫn ở mức thấp hoặc tiếp tục chờ đợi nghe ngóng thêm tín hiệu từ thị trường", anh nói.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Nguyễn Anh Quê - chuyên gia bất động sản - nói, thị trường bất động sản ven đô giai đoạn từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2024 là giai đoạn giảm giá. Từ tháng 5/2024 đến tháng 2 năm nay, thị trường đất nền ven đô tăng giá rất cao khiến nhiều nhà đầu tư chùn bước.

Giá rao bán đất nền ven đô tăng cao khiến người mua chùn bước (Ảnh minh họa: Dương Tâm).
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 3 đến nay, thông tin về việc sáp nhập tỉnh thành khiến các nhà đầu tư tìm về những nơi được dự đoán trở thành trung tâm hành chính để mua bán. Tuy nhiên, giá những khu vực này cũng được đẩy lên rất nhanh, trong khi đó hạ tầng không có sự thay đổi đột biến, không có giao dịch nhu cầu thực mà chỉ mang tính đầu cơ.
"Hầu hết giá đất ở các nơi đều được đẩy lên cao dẫn tới ngáo giá. Theo đó, các nhà đầu tư có tâm lý phòng thủ chưa vội xuống tiền mua đất nền. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang nghe ngóng tín hiệu từ các kênh đầu tư khác. Do đó, những khu vực đất nền ven đô đã tăng nóng trước đó đến nay thanh khoản chững lại", ông nói.
Theo ông, một số nhà đầu tư có tâm lý đi trước đón đầu đã tìm tới những khu vực có mức giá chưa tăng quá nhiều trong thời gian qua để đầu tư như Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…
Lý giải về xu hướng này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - cho rằng, mặt bằng giá đất tại vùng ven Hà Nội đã tăng liên tục trong những năm qua, khiến nhiều nhà đầu tư và người mua có tâm lý chờ đợi, quan sát thị trường trước khi quyết định.
Bên cạnh đó, thời gian qua, sau thông tin về kế hoạch dự kiến sáp nhập một số tỉnh, các nhà đầu cơ có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở những khu vực tỉnh thay vì tập trung vào đất nền lân cận Thủ đô như trước đây. Ngay sau khi tin tức về sáp nhập xuất hiện, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại những địa phương liên quan đã tăng đáng kể, phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư.

Một lô đất tại vùng ven Hà Nội đang được rao bán (Ảnh: Dương Tâm).
Ngoài ra, về vấn đề đầu tư bất động sản theo tin sáp nhập, ông Đinh Minh Tuấn - chuyên gia bất động sản - nói, giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Giá bất động sản không chỉ phụ thuộc vào thông tin sáp nhập mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như hạ tầng, vị trí, nhu cầu việc làm, nhập cư, và nền tảng kinh tế địa phương.
Ông khuyến nghị, người mua và nhà đầu tư cần lưu ý các rủi ro như quy hoạch có thể thay đổi hoặc việc sáp nhập diễn ra chậm hơn dự kiến; nguy cơ mua vào với giá cao hơn giá trị thực, đặc biệt tại các khu vực tăng nóng. "Sáp nhập là cơ hội lớn, nhưng cần tỉnh táo mua đúng nơi, đúng thời điểm, tránh chạy theo tâm lý đám đông", ông nhấn mạnh.