Vì sao onsen nam nữ tắm chung ngày càng ít đi ở Nhật Bản?

Hoàng Anh

(Dân trí) - Các onsen konyoku đã có lịch sử hàng nghìn năm, thể hiện truyền thống lâu đời và là phương thức kết nối cộng đồng, giao lưu giữa người với người trong xã hội Nhật Bản.

Konyoku là từ để chỉ các onsen không phân giới tính tại Nhật Bản. Văn hóa nam nữ tắm chung nơi công cộng là nét đẹp có từ bao đời của Nhật Bản. Ngày nay, konyoku đã trở thành một phần của văn hóa, xã hội Nhật Bản, nhưng do nhiều đổi thay của thời đại, số lượng konyoku tại quốc gia này đã giảm đáng kể. So với hơn 1.200 konyoku vào năm 1990, hiện Nhật Bản chỉ còn khoảng 700 onsen không phân giới tính.

Vì sao onsen nam nữ tắm chung ngày càng ít đi ở Nhật Bản? - 1

Onsen konyoku có lịch sử lâu đời tại Nhật Bản. Ảnh: Japan today

Ghi chép lịch sử cho thấy các onsen konyoku tồn tại từ thế kỷ thứ 9, dù nhiều học giả cho rằng loại hình onsen này thậm chí còn xuất hiện sớm hơn. Các onsen konyoku trở nên phổ biến, được chấp nhận rộng rãi trong thời Muromachi (1392-1573). Tuy nhiên, tới thời Edo (1603-1868), sự gia tăng những hành vi quấy rối, không hợp thuần phong mỹ tục ở một bộ phận du khách (chủ yếu là đàn ông) đã khiến chính quyền Nhật Bản siết chặt quản lý và thậm chí cấm các onsen konyoku.

Lấy ví dụ onsen nổi tiếng Fudo-no-Yu, tỉnh Tochigi buộc phải đóng cửa năm 2015 do liên tục ghi nhận những trường hợp nam, nữ du khách có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức nơi công cộng. Sau đó, tuy được mở cửa trở lại, onsen konyoku này yêu cầu nữ du khách mặc trang phục tắm có tên yugi.

Vì sao onsen nam nữ tắm chung ngày càng ít đi ở Nhật Bản? - 2

Số lượng onsen konyoku tại Nhật Bản hiện suy giảm đáng kể. Ảnh: Japan today

Tuy nhiên, nhiều người yêu thích văn hóa nam nữ tắm chung nơi công cộng đã phản đối việc cấm các onsen konyoku, với luận điểm rằng đây là một phần văn hóa Nhật Bản và việc xóa bỏ các onsen konyoku đồng nghĩa với mất đi một nét đẹp trong lối sống của người Nhật.

Những người ủng hộ onsen konyoku cho rằng khi khỏa thân và giao lưu, kết nối với mọi người trong không gian onsen không phân giới tính sẽ mang tới tính kết nối cộng đồng. Các gia đình tại một số vùng ở Nhật Bản như Tohoku có truyền thống tắm chung như một cách gắn kết, kết nối các thành viên trong gia đình.

Người Nhật quan niệm rằng khi nam nữ tắm chung nơi công cộng, thể xác và tình dục không liên quan tới nhau. Trái lại, việc khỏa thân tắm chung nơi công cộng còn là phương thức thể hiện sự bình đẳng giữa người với người. Khi bước vào bể tắm onsen, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, không phân biệt đẳng cấp, nghề nghiệp, giàu nghèo, ai cũng khỏa thân giống nhau và bình đẳng trong việc thoải mái ngâm mình trong làn nước suối nóng để thư giãn và phục hồi cơ thể.

Người Nhật thậm chí còn có thuật ngữ riêng để chỉ mối liên kết, mối quan hệ giữa người với người trong trạng thái khỏa thân. Do đó, văn hóa nam nữ tắm chung nơi công cộng không phải sự tục tĩu mà là cách kết nối cộng đồng, gắn kết tình cảm độc đáo giữa người với người trong trạng thái nguyên bản, không tồn tại rào cản hoặc vật che đậy.

Số lượng onsen konyoku tại Nhật Bản giảm mạnh sau thời Edo, khi Nhật Bản mở cửa với phương Tây. Nhiều người phương Tây cho rằng onsen nam nữ tắm chung là không phù hợp. Quan điểm này đã khiến chính quyền Nhật Bản siết chặt quản lý và đóng cửa nhiều onsen konyoku để nâng cao hình ảnh đất nước.

Ngày nay, nhiều onsen konyoku hiện đại cho phép du khách sử dụng đồ bơi, khăn tắm khi ngâm mình. Tuy nhiên, một số onsen truyền thống vẫn yêu cầu du khách khỏa thân khi tắm.