Vì sao cô dâu Nhật Bản mặc kimono trắng trong lễ cưới?

Mai Nâu

(Dân trí) - Theo truyền thống ở Nhật Bản, màu trắng tượng trưng cho cái chết. Trong đám cưới, màu trắng tượng trưng cho sự kết thúc đời độc thân, bắt đầu cuộc sống hôn nhân.

Vì sao cô dâu Nhật Bản mặc kimono trắng trong lễ cưới? - 1

Cô dâu mặc bộ kimono trắng truyền thống trong ngày cưới. Ảnh: Jon Connell / Flickr

Kimono là biểu tượng của Nhật Bản, được người Nhật mặc trong nhiều sự kiện quan trọng và lễ hội. Nó đã vượt qua các rào cản về văn hóa và sắc tộc của Nhật Bản để trở thành quốc phục vừa đậm nét truyền thống, vừa có tính hiện đại.

Người Nhật ngày nay vẫn mặc kimono trong nhiều dịp lễ quan trọng, trong đó có đám cưới. Theo truyền thống, cô dâu Nhật Bản mặc kimono trắng gọi là "shiromuku". Trong tiếng Nhật, từ "shiro" có nghĩa là trắng và "muku" có nghĩa là tinh khiết.

Bộ trang phục với màu trắng chủ đạo này được mặc trong lễ cưới, biểu thị cho sự trong trắng, tinh khiết và trinh nguyên. Bộ đồ màu trắng cũng tượng trưng cho việc cô dâu như một tấm vải không tì vết, sẵn sàng tiếp nhận những tư tưởng và giá trị văn hóa của nhà chồng.

Tuy nhiên, theo truyền thống ở Nhật Bản, màu trắng tượng trưng cho cái chết. Trong đám cưới, màu trắng tượng trưng cho sự kết thúc đời độc thân và bắt đầu cuộc sống mới trong hôn nhân. Điều này bắt nguồn từ sắc trắng của quần áo khâm liệm (shiroshozoku) mà người đã khuất được mặc.

Shiromuku bao gồm một bộ furisode kimono trắng có viền sau gọi là kakeshita, mặc cùng một chiếc khăn quấn maru hoặc fukuro obi đeo quanh thắt lưng, được bọc lại bởi khăn obi-age và cố định bằng dây obi-jime.

Phụ kiện đi kèm bộ kimono này là tất tabi, dép zori, ví hakoseko, quạt gấp sensu và đôi khi là một con dao kaiken (có từ thời của các samurai). Trong khi các cô dâu phương Tây thường đeo mạng che mặt thì shiromuku lại có riêng một chiếc mũ trùm đầu lớn màu trắng được gọi là wataboshi.

Vì sao cô dâu Nhật Bản mặc kimono trắng trong lễ cưới? - 2

Wataboshi là một trong những điểm đặc biệt của bộ trang phục này. Ảnh: Kotohana / Myorenji

Điều này được cho là để che giấu những linh hồn tội lỗi ẩn trong mái tóc dài của người phụ nữ và giúp cho cô dâu giữ được sự kín đáo. Chỉ có chú rể mới được thấy khuôn mặt cô dâu.

Cô dâu cũng có thể chọn đội mũ tsunokakushi trên bộ tóc giả shimada được tô điểm bằng những chiếc trâm cài kanzashi. Tóc giả được tạo kiểu theo phong cách shimada thời Edo. Một số cô dâu có thể đội wataboshi trong buổi lễ và sau đó chuyển sang tsunokakushi cho tiệc chiêu đãi.

Tuy bộ lễ phục shiromuku có màu trắng nhưng wataboshi và nơ đi kèm có thể được viền màu đỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm