Tuyển dụng trọn đời trong văn hóa làm việc của người Nhật Bản
(Dân trí) - Shūshin koyō là thuật ngữ chỉ việc tuyển dụng trọn đời ở Nhật Bản. Nó đóng góp vào thịnh vượng xã hội và tạo ra lòng trung thành trong văn hóa làm việc của người lao động tại đất nước này.
Shūshin koyō cực kỳ phổ biến ở các công ty lớn của Nhật Bản từ những năm 1920, góp phần tạo ra phép màu kinh tế Nhật Bản thời hậu chiến. Các công ty cam kết sẽ đảm bảo nhu cầu vật chất cho người lao động đến cuối đời nếu họ cống hiến trọn đời cho sự thành công chung của công ty.
Vào mỗi mùa thu, các công ty trên toàn nước Nhật tổ chức các đợt tuyển dụng cho những học sinh trung học và đại học sẽ tốt nghiệp vào mùa xuân. Đối với nhiều người, quá trình kéo dài hàng tháng này là giai đoạn quan trọng nhất cuộc đời. Ai được tuyển dụng sẽ giành được một công việc trọn đời. Ngược lại, họ phải chấp nhận làm những công việc không thường xuyên và dễ dàng bị sa thải.
Những người lao động thường xuyên, được gọi là seishain, nhận được hai khoản tiền thưởng hàng năm, mỗi phần thưởng thường trị giá ít nhất một tháng lương hoặc nhiều hơn. Họ cũng có các quyền lợi khác từ công ty, có thể bao gồm cả nhà ở. Bên cạnh đó là một chế độ lương hưu hậu hĩnh.
Ngược lại, những người lao động không thường xuyên bị trả lương thấp hơn và người sử dụng lao động không bắt buộc phải cung cấp cho họ mức phúc lợi như những đồng nghiệp làm việc thường xuyên.
Vì vậy, những người có công việc trọn đời thường gắn bó chặt chẽ, thậm chí "đồng hóa" bản thân với công ty của mình. Ví dụ, một người có thể tự hào giới thiệu tự hào rằng "Nissan no Takahashi-san" (Tôi là Takahashi đến từ tập đoàn Nissan) trong các buổi gặp gỡ.
Tuyển dụng trọn đời hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa kinh doanh của Nhật Bản. Tuy vậy, nó cũng bị chỉ trích là tạo ra sự phân hóa giữa các tầng lớp và chênh lệch vô lý về quyền lợi giữa những người lao động.
Trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 và những cải cách của chính phủ, các công ty đã tăng cường tuyển dụng lao động không thường xuyên vào lực lượng thường xuyên. Nhưng những con số này là không đáng kể.
Năm 2013, Nhật Bản thậm chí đã đưa ra một đạo luật để giải quyết mặt trái của tuyển dụng trọn đời, nhưng luật này vẫn chỉ có rất ít tác động.