Trung Quốc đau đầu bởi vấn nạn nhà đinh "cắm rễ" ở các dự án xây dựng

Thảo Lê

(Dân trí) - Chính quyền Thâm Quyến đang đề xuất một dự luật mới cho phép các dự án được tiến hành xây dựng nếu có tối thiểu 95% hộ dân đồng ý di dời, thay vì 100% như trước.

Trung Quốc đau đầu bởi vấn nạn nhà đinh cắm rễ ở các dự án xây dựng - 1

Một “ngôi nhà đinh” ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: China Stringer Network/Reuters.

Cụm từ “nhà đinh” (nail house) được dùng để chỉ những ngôi nhà, tòa nhà không chịu giải tỏa ở Trung Quốc. Chủ sở hữu những công trình này được cho là chỉ chịu nhượng bộ nếu được đền bù một khoản tiền mà họ cho là xứng đáng.

Đối với người qua đường, “nhà đinh” là điều gây chướng mắt, còn đối với chính quyền địa phương, chúng tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe cộng đồng.

Những ngôi nhà mục nát quấn quanh bởi những mớ dây điện lộ thiên chằng chịt, những đường ống nhựa lồi lõm rỉ nước, cỏ dại mọc um tùm từ các vết nứt và những hiên nhà bụi bám dày đặc do ô nhiễm không khí - những hình ảnh này đã quá quen thuộc với người dân Trung Quốc.

Hiện tượng “nhà đinh” đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc trong vòng hai thập kỷ qua, song song với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa như vũ bão ở đất nước này.

Bên cạnh những tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm thì nhiều “ngôi nhà đinh” vẫn còn “án ngữ” trên những mảnh đất trị giá hàng triệu USD ở  Thâm Quyến.

Trung Quốc đau đầu bởi vấn nạn nhà đinh cắm rễ ở các dự án xây dựng - 2
Nhiều “ngôi nhà đinh” nằm trơ trọi trên những mảnh đất hàng triệu USD. Ảnh: Getty Images.

Ở các vùng nông thôn, khoản tiền đền bù cho những ngôi nhà thuộc diện giải tỏa không nhiều, nhưng ở Thâm Quyến, nó có thể trở thành một tấm vé đổi đời tức thì, nếu được nhận đúng thời điểm.

Nằm ở trung tâm quận Louhu, thành phố Thâm Quyến, một ngôi nhà xuống cấp kẹp giữa hai khu phức hợp dân cư 20 tầng là ví dụ điển hình cho những “ngôi nhà đinh” bị mất giá vì chủ sở hữu cố tình trì hoãn quá lâu.

Về cơ bản, ngôi nhà 3 tầng này hiện không còn giá trị phát triển và gần như chắc chắn sẽ bị san bằng để làm bãi đậu xe.

Một người phụ nữ trung tuổi thuê ngôi nhà cho biết: “Chủ nhà vẫn đang yêu cầu khoản đền bù ở mức khoảng 100 triệu NDT (gần 15 triệu USD). Nhưng bây giờ nó gần như chẳng còn giá trị gì cả. Ông ấy không thể bán nó nữa rồi”.

Siêu đô thị 18 triệu dân ở miền Nam Trung Quốc này đang hy vọng một đề xuất mới sẽ giúp chính quyền địa phương “nhổ bỏ” những “ngôi nhà đinh” mãi mãi và chấm dứt những tranh chấp đất đai đôi khi kéo dài đến cả thập kỷ.

Theo đề xuất trên, các dự án sẽ chỉ cần tối thiểu 95% hộ dân đồng ý di dời để được phép tiến hành xây dựng. Chính sách trước đây yêu cầu các chủ sở hữu phải chấp thuận 100%, và điều này thường dẫn đến một số trường hợp cố tình “cắm rễ” để có được khoản tiền đền bù cao hơn.

Đề xuất mới của Thâm Quyến cũng đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu về khoản đền bù, đó là một hoặc nhiều ngôi nhà có kích thước và giá trị tương đương ở những nơi khác trong thành phố hoặc bằng tiền mặt dựa trên diện tích và giá trị bất động sản hiện tại.

Trung Quốc đau đầu bởi vấn nạn nhà đinh cắm rễ ở các dự án xây dựng - 3
Đề xuất mới của chính quyền Thâm Quyến làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền lợi của người dân. Ảnh: Business Insider.

Tuy nhiên, động thái này của thành phố lại làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền lợi của người dân.

Một nhà nghiên cứu và hoạt động độc lập giấu tên, tham gia vào dự án nâng cao nhận thức về quyền lợi của người thuê nhà và lao động nhập cư ở các làng đô thị của Thâm Quyến cho rằng, việc “bật đèn xanh” cho các dự án xây dựng với 95% số hộ dân đồng ý di dời là một hình thức lạm dụng quyền lực.

Bởi theo ông, hiện tượng “nhà đinh” thường là kết quả của sự thiếu minh bạch từ chính quyền và những người chủ sở hữu thì lo sợ quyền lợi của họ có thể bị xem nhẹ.

Qiao Shitong, giáo sư dự khuyết thuộc khoa luật của Đại học Hồng Kông, từng có nhiều năm nghiên cứu về hệ thống bất động sản của Thâm Quyến, cho biết thành phố này từng cố gắng thực hiện các chính sách tương tự trong quá khứ, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các chủ đất và ủy ban nhân dân các thị xã.

“Nhưng có thể lần này chính quyền sẽ thành công. Có vẻ bây giờ nhiều người chấp nhận cách làm này hơn trước”, ông Qiao nhận định.

Đối với hàng triệu lao động nhập cư đến Thâm Quyến làm việc trong các công xưởng, nhà máy, tài xế taxi, nhân viên vệ sinh hay những ngành nghề thu nhập thấp khác, những “ngôi nhà đinh” đem đến cho họ chỗ trọ giá rẻ và gần nơi làm việc. Khi thành phố tái cơ cấu cơ sở hạ tầng, những lựa chọn này ngày càng trở nên hiếm hoi.

Ông Qiao ước tính khoảng 60% trong số gần 900 dự án phát triển trên toàn thành phố đã được phê duyệt. Nếu những dự án này được tiến hành trong vòng 5 năm tới thì sẽ có khoảng 4,5 đến 7,25 triệu người bị ảnh hưởng.