Chuyên gia dự báo kịch bản giá nhà đất nếu Covid-19 bùng phát trở lại
(Dân trí) - Nếu giãn cách xã hội xảy ra một lần nữa, nhiều khả năng giá nhà ở trên thị trường thứ cấp sẽ giảm và người mua có nhu cầu thật sẽ được hưởng lợi.
Một số báo cáo của các công ty nghiên cứu BĐS mới đây cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục, với nguồn cung dự án khối lượng giao dịch, thanh khoản thị trường,... trong quý II/2020 đang tăng cao so với quý I/2020.
Các công ty này cũng dự báo, nếu dịch bệnh được Chính phủ kiểm soát tốt, thị trường BĐS trong 2 quý III và quý IV/2020 sẽ tích cực phục hồi, đem lại niềm tin mới cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc ghi nhận các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thời gian gần đây đã khiến những dự báo trước đó trở nên khó đoán định.
Theo một số chuyên gia BĐS, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và Chính phủ quyết định giãn cách xã hội lần thứ 2, nhiều khả năng thị trường sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng hơn trước, do phải đối mặt với gánh nặng tài chính và tâm lý thận trọng trước khi đầu tư, khiến lực cầu trên thị trường suy giảm.
Mặc dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc khối R&D, Công ty DKRA Việt Nam cho rằng, nếu quá trình giãn cách xã hội xảy ra một lần nữa, khả năng cao giá nhà ở, đặc biệt là phân khúc BĐS cao cấp, căn hộ hạng sang trên thị trường thứ cấp sẽ giảm.
Trong trường hợp này, khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực được hưởng lợi, và họ có thể trông đợi chủ đầu tư tung ra các chương trình ưu đãi, có thể là tăng chiết khấu sản phẩm, tặng quà, thậm chí là giảm giá nhà ở để kích cầu thị trường.
“Nếu liên hệ về quá khứ, rõ ràng giá nhà ở đã tăng quá cao trong những năm trước, nên trong trường hợp giãn cách xã hội xảy ra, thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện những đợt giảm giá mới. Khách hàng sẽ là đối tượng chính được hưởng lợi”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, nhận định về 2 phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bán lẻ, ông Hoàng cho rằng, nếu có giãn cách xã hội, hai phân khúc này sẽ không có nhiều biến động, nguồn cung và nhu cầu duy trì trạng thái èo uột như trong quý I và quý II của năm 2020.
Cụ thể, theo ông Hoàng, với phân khúc bán lẻ, dù quá trình giãn cách xã hội có xảy ra hay không, thì nhu cầu tìm kiếm mặt bằng và giá cho thuê vẫn tiếp tục đi xuống.
Bởi lẽ, hiện nay, xu hướng bán hàng online, mua bán trên các sàn giao dịch trực tuyến đang chiếm ưu thế hơn việc thuê mặt bằng. Quá trình này vừa có yếu tố tích cực, vừa có yếu tố tiêu cực.
Về mặt tích cực, người thuê sẽ được hưởng lợi từ việc mặt bằng giảm giá. Ngược lại, bên cho thuê sẽ chịu thiệt khi không đạt được mức giá cho thuê mong muốn.
“Nếu như trước đây 5 năm, do nhu cầu cao, nên chủ mặt bằng luôn ở trong thế “cọc đi tìm trâu”, chỉ cần có khách trả mặt bằng, ngay lập tức có người khác thế chỗ ngay. Thì nay, tình hình cho thuê gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh và xu hướng bán hàng online, hai yếu tố này đã khiến chủ nhà rơi vào thế bị động, buộc phải giảm giá để tìm khách”, ông Hoàng nói.
Với BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn được dự báo tiếp tục tình cảnh “ngủ đông” từ năm 2019, sau sự cố đổ vỡ của Cocobay Đà Nẵng và đại dịch Covid-19. Nếu có giãn cách xã hội, thì nguồn cung, nhu cầu, tỷ lệ giao dịch,... của phân khúc này vẫn duy trì ở mức thấp, và không có nhiều biến động.
Trong bức tranh u ám này, theo các chuyên gia điểm sáng của thị trường là phân khúc BĐS xanh, BĐS kết hợp sinh thái, sức khỏe, BĐS khu vực ngoại thành.
Việc giãn cách xã hội, phải làm việc tại nhà khiến người dân nghĩ đến một căn nhà thứ 2, để nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự thay đổi "khẩu vị" người tiêu dùng không chỉ mở ra một xu hướng mới mà còn được dự đoán sẽ thúc đẩy lượng giao dịch mua bán dù trong khủng hoảng đại dịch.