Tổng cục Thống kê "không nắm được" số liệu Trung Quốc mua bất động sản Việt Nam

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Dân Trí về gần đây có thông tin luồng vốn Trung Quốc núp bóng vào bất động sản Việt Nam, Tổng cục thống Kê có nắm được số liệu hay không? Đại diện Tổng cục này cho biết: "Chưa có số liệu chi tiết thế này" và "Phải có chương trình điều tra cụ thể".

Cụ thể, theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT): Về thông tin luồng đầu tư về bất động sản và ngành gỗ, những dữ liệu cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc thì chúng ta cần phải có dữ liệu điều tra chuyên sâu.

Tổng cục Thống kê không nắm được số liệu Trung Quốc mua bất động sản Việt Nam - 1

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)

"Bởi một nhà đầu tư đang đầu tư ở Trung Quốc, mua cổ phần từ Trung Quốc, bán đi vì rủi ro, đem tiền đó sang bên này mua thì cũng phải theo dõi ở địa bàn, cấp trung ương", ông Phong khẳng định.

Đại diện Tổng cục Thống kê nói: "Chúng ta phải có chương trình điều tra cụ thể, còn đứng trên góc độ nhà thu thập thống kê, chúng tôi chưa có số liệu chi tiết thế này".

Hôm 27/6, trả lời báo chí tại cuộc họp thường kỳ quý 2/219 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định sẽ làm rõ việc vốn Trung Quốc núp bóng đầu tư vào Việt Nam từ Hồng Kông, từ Trung Quốc đại lục ở một số ngành và lĩnh vực.

Đáng nói hơn, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cho biết có hiện tượng người Việt đứng tên cho người nước ngoài, ngành công an không coi những giao dịch này là "giao dịch thương mại bình thường"; do đó sẽ nghiên cứu để có đề xuất quản lý chặt chẽ hơn.

Nhiều Đại biểu Quốc hội khẳng định, việc người Trung Quốc, nhà đầu tư Trung Quốc mua dự án bán lúa non (dự án chưa xây xong, dở dang) hoặc mua nhà đất ven biển đứng tên người Việt là nguy cơ cho quốc gia. Hiện tại, các địa phương như Nha Trang, Phú Quốc được nghi ngờ là có nhiều hành vi vốn Trung Quốc, người Trung Quốc "núp bóng" để mua đất đai Việt Nam.

Một thông tin khác cũng gây lo ngại, theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends gần đây xuất hiện nhiều dự án có quy mô vốn rất từ 2 - 5 triệu USD của Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam, để xuất đi các nước, đây là nguy cơ hàng Trung Quốc giả hàng Việt Nam và có thể bị các nước điều tra, đánh thuế và Việt Nam là điểm xuất khẩu hộ cho Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí xung quanh việc Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc đại lục và Hồng Kông) đầu tư vốn lớn hơn 7,6 tỷ USD, song có hơn 4 tỷ USD để mua sắm doanh nghiệp Việt, Tổng cục Thống kê có cảnh báo gì?

Bên cạnh đó, việc quy mô vốn/dự án của Trung Quốc vào Việt Nam mới chỉ từ 2 - 7 triệu USD (46 tỷ đến 160 tỷ đồng) có đáng tự hào, nhất là trong bối cảnh Việt Nam mở cửa với vốn châu Âu sắp tới qua Hiệp định thương mại tự do EVFTA?

Ông Phong cho biết: Không nên lo lắng dự án có quy mô vốn bé.

Theo ông này, đối với thu hút của Việt Nam, thu hút có chọn lọc, nhưng ko thể nói những dự án quy mô bé, 3 - 5 triệu USD/dự án, chúng ta không thể vì quy mô bé mà phân biệt, họ đầu tư, mang vốn vào, mang lại lợi ích vào Việt Nam, chúng ta phải hoan nghênh.

Ông này nhấn mạnh, đối với chính sách thu hút trọng điểm, Việt Nam vẫn thu hút các dự án lớn phát triển tốt về mặt môi trường, kinh tế. Không nên lo lắng dự án quy mô bé.

Đại diện Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư cũng cho biết hiện doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào dệt may, da giày, săm lốp ô tô, điện tử...

Theo ông Phong, hiện nay vốn Trung Quốc vào Việt Nam có tăng đột biến bởi tổng đầu tư cấp mới, tăng thêm, cổ phần là 7,5 tỷ USD, trong đó Hồng Kông là 5,3 tỷ USD, Trung Quốc là 2,2 tỷ USD.

"Như chúng ta đã biết, trong năm 2017, cả Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt nam cũng chỉ 3,7 tỷ USD, 2018 là 5,8 tỷ USD, chúng tôi đánh giá đây là đột biến", ông Phong nói.

Vụ trưởng Phong nói: Hiện vốn Trung Quốc tăng mạnh vào Việt Nam khiến chúng ta có ba thách thức lớn. Cụ thể là Việt Nam thành cứ điểm của nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ.

"Việt Nam vô tình vi phạm cam kết về nguồn gốc xuất xứ, Mỹ có thể xem xét điều này để trừng phạt, chuyển giá", ông Phong nói.

Mặc dù trên phương tiện thông tin đại chúng, kể cả kết luận của một số Bộ, ngành và lo ngại của Đại biểu Quốc hội về người Trung Quốc tuồn vốn vào mua đất ở Việt Nam, song đến nay chưa có thống kê chính thức nào từ các cơ quan chức năng.

Nguyễn Tuyền