Suýt phải “bán mình”, doanh nghiệp BĐS may mắn vớ được “phao cứu sinh”

(Dân trí) - Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tất cả nhóm ngành bất động sản đã “ngấm đòn” thiệt hại

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tất cả nhóm ngành bất động sản đã “ngấm đòn” thiệt hại, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất.

Theo ông Mauro Gasparotti, giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch Việt Nam và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh khách sạn trong thời gian tới.

Suýt phải “bán mình”, doanh nghiệp BĐS may mắn vớ được “phao cứu sinh” - 1

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tất cả nhóm ngành bất động sản đã “ngấm đòn” thiệt hại

Ông Mauro Gasparotti cũng tiết lộ, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ.

Thậm chí, ngay sau khi Việt Nam hạn chế cấp visa cho du khách nước ngoài, số lượng yêu cầu hủy phòng đã lên tới 95 - 98%.

Giới chuyên gia bất động sản nhận định, các tỉnh/thành phố có ngành du lịch phát triển như Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Ninh, Hà Nội hay TP.HCM sẽ bị tác động nghiêm trọng do số lượng khách du lịch quốc tế giảm đột ngột.

Nhận xét về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn cho biết, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành du lịch là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được.

Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn.

“Về lâu dài khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng”, ông Sơn nói.

“Phao cứu sinh” từ Chính phủ

Theo Savills Việt Nam, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được “an ủi” một phần, nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đơn cử, Thông tư mới hướng dẫn mới việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở của Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ có tác động tích cực tới thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

“Nếu thông tư hướng dẫn này được chính thức triển khai, sẽ là một cú đỡ, một đòn bẩy rất lớn cho khu vực bất động sản nghỉ dưỡng, trong bối cảnh thị trường này đang bị ảnh hưởng sâu sắc từ dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành”, Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam cho hay.

Suýt phải “bán mình”, doanh nghiệp BĐS may mắn vớ được “phao cứu sinh” - 2

Nhiều chuyên gia cho rằng với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ giúp thị trường BĐS sớm phục hồi sau dịch bệnh

Theo ông Khương, về cơ bản, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hoạt động dựa trên 2 nguồn thu nhập chính, 1 là bán biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ nghỉ dưỡng, và thứ 2 là từ các hoạt động, dịch vụ giải trí ở các dự án này.

“Trong thời điểm này, khi doanh thu của dịch vụ nghỉ dưỡng đang sụt giảm mạnh mẽ, chủ đầu tư sẽ tranh thủ tận dụng lợi thế từ việc người mua được quyền sở hữu sổ đỏ, sổ hồng trên tài sản sở hữu, để kích thích nhu cầu của người mua, từ đó bảo toàn được số vốn đầu tư ban đầu”, ông Khương nói.

Ngoài yếu tố trên, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng nhận được hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Cụ thể, mới đây, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng: gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đối với gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng có thể vay các khoản tín dụng mới với lãi suất ưu đãi 0,5-1,5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thông thường.

Bên cạnh sự kêu gọi của Chính phủ, NHNN và nhiều ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác cũng đã cam kết, cho doanh nghiệp vay các khoản vay lãi suất thấp để có thể vượt qua giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Suýt phải “bán mình”, doanh nghiệp BĐS may mắn vớ được “phao cứu sinh” - 3

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp BĐS lao đao "khó khăn chưa từng thấy"

Đối với gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng, doanh nghiệp BĐS du lịch, nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi trả các khoản thuế, ví dụ như miễn thuế VAT, thuế đất, thuế xây dựng, thuế thu nhập....

Nhận định từ tình hình thực tế, lãnh đạo một công ty BĐS tại Hà Nội cho rằng chỉ thị 11 của Chính phủ giống như “phao cứu sinh”, có thể giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh khổ sở như hiện nay:

“Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, du lịch sẽ tạm thời “đóng băng”, khiến cho doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ, thậm chí có thể phá sản. Thế nhưng, với những biện pháp hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, chắc chắn chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác có thể tạm thời an tâm, chờ đợi thời điểm dịch bệnh trôi qua để ổn định lại tình hình kinh doanh”, vị này nói.

Việt Vũ