Shophouse cửa đóng then cài, "thiên đường" Quất Lâm tiêu điều sau Covid-19
(Dân trí) - Khách sạn ở "thiên đường" du lịch biển Quất Lâm: nơi bỏ hoang, chỗ bán tháo; không khách thuê, chủ shophouse "mất trắng" hàng trăm triệu đồng/năm... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Siết bán nhà 2 giá, Bộ trưởng tiết lộ: Nửa tháng tăng thu 222 tỷ đồng
"Chia lửa" tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục thanh tra những hồ sơ còn nghi vấn về việc chuyển nhượng.
Cụ thể, liên quan đến giải pháp để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian 15 ngày đầu tháng 1 năm nay, qua kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại, thu thuế đã tăng 222 tỷ đồng. Vì vậy thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai theo luật thuế để xử lý theo quy định, kể cả các dự án bất động sản.
Khách sạn ở "thiên đường" du lịch biển Quất Lâm: Nơi bỏ hoang, chỗ bán tháo
Theo ghi nhận của Dân trí, hoạt động kinh doanh du lịch tại Khu du lịch biển Quất Lâm gần như bị tê liệt, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chỉnh trang cảnh quan khu vực này.
Khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thủy) rộng khoảng 0,151 km2, nằm ở khu vực gần đê biển thị trấn Quất Lâm, là một trong những điểm du lịch biển của tỉnh Nam Định thu hút đông khách du lịch đến nghỉ dưỡng, tắm biển.
Tuy nhiên, khung cảnh chung tại Khu du lịch biển Quất Lâm hiện vắng vẻ. Một khách sạn quy mô khoảng hơn 3.000 m2 tại Khu du lịch biển Quất Lâm đang trong tình trạng bị bỏ hoang.
Theo nhiều chủ khách sạn tại Khu du lịch biển Quất Lâm, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh doanh tại đây bị ngưng trệ. Nhiều người phải rao bán khách sạn để trả nợ vay ngân hàng.
Đánh thuế nhà, bất động sản: Bộ Tài chính chưa xây dựng dự thảo luật
Bộ Tài chính cho biết đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương và tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tác động về tình hình thực hiện Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Cụ thể, cơ quan này đề nghị các bộ, ngành, địa phương gửi ý kiến rà soát đánh giá để phục vụ cho việc sửa các luật thuế trước ngày 15/4.
6 luật thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung gồm các luật: Thuế tài nguyên; Thuế bảo vệ môi trường; Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Bộ Tài chính thông tin thêm hiện nay chưa xây dựng dự thảo luật để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Bộ sẽ tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thi hành Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến bất động sản sau đó báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ.
Lạm phát đẩy giá cùng loạt rủi ro khác, bất động sản sẽ khắc nghiệt?
Tại một diễn đàn về bất động sản vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết bên cạnh những thuận lợi, thị trường Việt Nam vừa qua phải đối mặt với không ít khó khăn.
"Những vướng mắc pháp lý của bất động sản đang cản trở nhất định về nguồn cung trên thị trường. Chưa kể, năm 2021 còn xuất hiện rất nhiều "hàng giả, hàng lậu", như bất động sản phân lô bán nền không phù hợp, các đợt sốt giá tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản", ông Đính nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, dù giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động trong đầu năm nay song về dài hạn, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều lo ngại. Cụ thể, ông Đính cho rằng lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên "bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt".
Để gỡ khó cho thị trường, ông Đính kiến nghị đẩy mạnh việc tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý, giúp doanh nghiệp bất động sản dễ dàng phát triển hơn trong năm nay.
Không khách thuê, chủ shophouse "mất trắng" hàng trăm triệu đồng/năm
Theo khảo sát của Dân trí, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hàng loạt căn shophouse mặt đường Nguyễn Chánh, Mạc Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) có giá rao bán hơn 200 triệu đồng/m2, tương đương hơn 30-40 tỷ đồng/căn đang trong tình trạng treo biển tìm khách thuê.
Cũng sở hữu vị trí đắc địa trong Khu đô thị Gamuda Garden (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng không ít căn shophouse tại đây vẫn "cửa đóng then cài", treo biển cho thuê nhiều ngày.
Theo thông tin từ các trang rao bán, shophouse Khu đô thị Gamuda Garden đang có giá bán khoảng 16 đến 20 tỷ đồng/căn. Giá cho thuê các căn shophouse này cũng dao động từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng/tháng.
Với tình trạng không có khách thuê và mức giá như trên, chủ nhân shophouse nhiều khả năng mất trắng cả gần 400 triệu đồng/năm.