Rủi ro mua đất không chính chủ

Mua đất không chính chủ người mua rất dễ vướng vào tranh chấp, đồng thời ảnh hưởng đến các quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.

Rủi ro mua đất không chính chủ - 1

Mua đất không chính chủ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Được người quen giới thiệu, chị D đặt cọc 100 triệu cho bà H để mua đất nhưng ông T và bà B mới là chủ sở hữu của mảnh đất. Bà H nhận là chị gái của bà B.

Sau khi nhận tiền đặt cọc, bà H thông báo trên mảnh đất này có một chiếc lán nhỏ là của người đang thuê mảnh đất. Nếu chị D cần sử dụng đất ngay thì người thuê sẽ tháo dỡ chiếc lán này. Còn nếu không, sau 7 tháng kết thúc hợp đồng thuê, chiếc lán đó sẽ để lại cho chị D nhưng chị D sẽ không được nhận số tiền thuê này khi hết hợp đồng.

Cảm thấy nghi ngờ, chị D đòi lại tiền đặt cọc và hủy hợp đồng nhưng bà H không đồng ý. Bà H cũng không có hợp đồng ủy quyền từ bà B. Chị D rơi vào cảnh tiến không được, lùi không xong vì nếu không ký hợp đồng mua bán thì chị sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc do phá vỡ hợp đồng, còn nếu mua thì cũng rất dễ gặp rủi ro.

Tương tự, cũng vướng vào tranh trấp khi mua đất không chính chủ là trường hợp của gia đình chị Hạnh. Gia đình chị mua một mảnh đất của ông A. Mảnh đất này do ông A mua trước đó và sử dụng nhưng ông B (em trai ông A) lại là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một thời gian sau, ông A và ông B xảy ra tranh chấp. Ông B kiện gia đình chị Hạnh và đòi lại mảnh đất.

Tuy nhiên, ông A khẳng định mảnh đất đó là của ông, ông chỉ nhờ ông B đứng tên vì ông A không biết chữ. Do hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa gia đình chị Hạnh và ông A bị xem là vô hiệu và chị không yêu cầu được ông A hoàn trả lại tiền nên gia đình chị Hạnh phải làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết.

Vì tin tưởng được người quen biết giới thiệu hoặc do chủ quan không kiểm tra kỹ tính pháp lý nên nhiều người đã bị “tiền mất, tật mang” khi mua đất không chính chủ. Đất không chính chủ được hiểu là đất mà người sử dụng không phải là người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc tài sản khác gắn liền với đất.

Khi mua bán nhà đất không chính chủ, người mua có thể mua được với giá rẻ hơn giá thị trường nhưng rất dễ gặp phải rủi ro, thậm chí tốn thêm nhiều thời gian, tiền bạc để kiện tụng vì tranh chấp.

Do người đứng tên trên sổ đỏ không phải là người mua nhà nên người mua không được chuyển nhượng cho người khác. Theo Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, có giấy chứng nhận là một trong bốn điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho và thế chấp quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định, trừ trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh doanh bất động sản thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng. Và để được công chứng, sổ đỏ là giấy tờ bắt buộc. Việc công chứng sẽ không thể thực hiện nếu sổ đỏ đứng tên người khác. Do đó, người mua sẽ không thể sang tên quyền sử dụng đất.

Một rủi ro khác là khi Nhà nước thu hồi đất, người mua đất không chính chủ sẽ không được nhận bồi thường. Một trong các điều kiện để các cá nhân, hộ gia đình được bồi thường khi Nhà nước thu hồi quy định tại Điều 75 Luật Đất đai là "Có sổ đỏ hoặc có đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ mà chưa được cấp".

Khi đất đang có tranh chấp, việc làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không thể thực hiện. Do đó, nếu mua đất mà sổ đỏ đứng tên người khác, khi Nhà nước thu hồi đất, người mua sẽ không được nhận khoản tiền đền bù mà là người đứng tên trên sổ đỏ.

Mua bán đất không chính chủ cũng là một trong những trường hợp dễ dẫn đến tranh chấp về quyền sử dụng đất, đặc biệt là khi giá nhà đất tăng cao.

Do đó, người mua cần kiểm tra kỹ toàn bộ thông tin như: Số hiệu thửa đất, diện tích; tình trạng pháp lý; lịch sử biến động: đã chuyển nhượng bao nhiêu lần, chuyển nhượng cho những ai; quy hoạch sử dụng đất... trước khi xuống tiền.

Theo Phùng Dung

Diễn đàn Doanh nghiệp