Quy hoạch phân khu nội đô: Yêu cầu bức thiết để phát triển

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, như thường lệ nhiều tuyến đường khu vực nội đô, nhất là 4 quận lõi trung tâm Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân do các quy hoạch phân khu tại các quận này chưa có dẫn đến mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất. Số lượng nhà ở, đặc biệt là nhà cao tầng phát triển không tương xứng với diện tích đất giao thông nội đô.

Quy hoạch phân khu nội đô: Yêu cầu bức thiết để phát triển - 1
Ùn tắc giao thông trên đường Giảng Võ, quận Ba Đình những ngày cận Tết. Ảnh: Phạm Hùng

Mất cân đối trong sử dụng đất

Theo Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, nội đô lịch sử có dân số tính toán là 800.000 người, tổng diện tích khoảng trên 3.800ha, với chỉ tiêu khoảng đất toàn đô thị 100m2/đầu người.

Tuy nhiên, hiện chỉ tiêu diện tích bình quân đất đô thị trên đầu người tại khu vực này chỉ đạt được khoảng 45m2. Dân số nội đô hiện nay đã lên tới 1,3 triệu người, quá tải 50 vạn người. Tình trạng gia tăng dân số làm mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất dẫn đến không đảm bảo về sự phát triển cân bằng giao thông nội đô.

Trên tổng quỹ đất đô thị, theo quy định chung, 60% diện tích dành cho đất giao thông, đất công cộng, cây xanh và các loại khác, bản thân 40% diện tích đất ở cũng chỉ có 40% diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng xã hội và hạ tầng dịch vụ.

Rõ ràng, nếu theo hiện trạng cơ cấu sử dụng và tổng số lượng quỹ đất hữu hạn như trên thì khi xu hướng tăng diện tích đất ở tại 4 quận nội đô hiện nay sẽ kéo tụt diện tích đất dành cho công trình hạ tầng gây nên cơ cấu sử dụng đất mất cân đối nghiêm trọng.

Việc suy giảm quỹ đất hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dẫn đến các hiện tượng trông thấy như ách tắc giao thông, thiếu sân chơi, công viên...

Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, sự mất cân đối trong chỉ tiêu sử dụng đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội tại khu vực đô thị trung tâm như thời gian qua là hệ quả của việc các quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt.

Để quy hoạch đi vào cuộc sống

Để thực hiện cụ thể hóa quy hoạch chung, trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 38 đồ án quy hoạch phân khu với tổng diện tích khoảng hơn 76.500ha, trong đó có 35 đồ án do TP tổ chức lập và 3 đồ án do Bộ Xây dựng lập.

Trong số 35 đồ án do TP lập, hiện còn lại 9 đồ án, đặc biệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử thuộc địa bàn các quận Hoàn Kiếm gồm H1 - 1 (A,B,C); quận Ba Đình là H1 - 2; quận Đống Đa là H1 - 3; quận Hai Bà Trưng là H1 - 4, đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Nguyên nhân được cho là do bị trói buộc bởi nhiều quy định.

Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Luật Thủ đô xác định trong khu vực này phải xây dựng một quy chế quản lý, quy chuẩn xây dựng cho 4 quận để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch. Tuy nhiên, điều kiện Bộ Xây dựng đưa ra là không được vênh, sai so với quy chuẩn quốc gia.

Như vậy, có cần thiết phải xây dựng quy chuẩn riêng cho 4 quận nội đô của Hà Nội? Trong khi đó, bộ quy chuẩn quốc gia được Bộ Xây dựng sửa đổi nhưng đến nay cũng còn chưa phê duyệt.

“Tất cả các vướng mắc này đã vượt ra ngoài thẩm quyền giải quyết của Sở mà phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân trên thì việc chậm phê duyệt các quy hoạch phân khu nội đô cũng có một phần lỗi chủ quan của Sở QH - KT” - ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhìn nhận.

Đến thời điểm này, khi Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt được gần 10 năm nhưng vẫn còn nhiều quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt, đặc biệt các quy hoạch ở 4 quận trung tâm TP. Đánh giá về sự chậm trễ này, PGS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, giá trị của quy hoạch sẽ không đi vào đời sống. “Như dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) nếu có quy hoạch công bố công khai từ lâu thì người dân nắm rõ, chắc chắn sẽ không có những phản đối gay gắt” - PGS. TS Hoàng Văn Cường dẫn ví dụ.

Đến tháng 11/2019, Sở QH - KT đã trình UBND TP cả 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô sau khi đã tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.

Có thể nói, để giải quyết được vấn đề giãn dân 4 quận nội đô lịch sử, quản lý xây dựng nhà cao tầng, giảm tải cho giao thông cho khu vực này chính là các quy hoạch phân khu sớm được phê duyệt và tuân thủ triệt để.

Các quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử chậm được phê duyệt tác động rất lớn đến sự phát triển của đô thị.
Cụ thể, do chưa có quy hoạch gây khó khăn trong việc cải tạo khu phố cổ, phố cũ, xây dựng, chỉnh trang các tuyến phố. Thậm chí việc chậm trễ không những ảnh hưởng đến việc thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng mà còn kìm hãm sự phát triển của Thủ đô.
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, PGS.TS Hoàng Văn Cường

Theo Vũ Lê

Báo Kinh tế & Đô thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm