Nhà chờ chuẩn châu Âu, xe buýt Hà Nội vẫn đông, chật?

Dịch vụ xe buýt cần đạt tiêu chuẩn từ nhiều khâu, trong đó việc làm nhà chờ không quan trọng bằng nâng cấp xe.

UBND TP. Hà Nội vừa thông qua chủ trương xây dựng 600 nhà chờ xe buýt đạt chuẩn Châu Âu với kinh phí gần 1.300 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các nhà chờ xe buýt này sẽ được trang bị bảng điện tử tra cứu, wifi, mái che...

Ngày 16/1/2020, TS Nguyễn Đức Long - Giảng viên Bộ môn Kinh tế vận tại, trường Đại học GTVT cho rằng cho rằng, việc đầu tư hạ tầng giao thông công cộng là điều cần thiết.

Đây là vấn đề được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, khi áp dụng vào Việt Nam thì cần có sự thay đổi sao cho phù hợp.

"Ở Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng, chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đánh giá cao.

Từ lâu, đây vẫn được coi là phương tiện di chuyển dành cho người nghèo, phục vụ một số đối tượng nhất định nên chưa thể gây sức lan tỏa để cả cộng đồng cùng hưởng ứng sử dụng. Một trong những lý do chính là vì chất lượng xe buýt hiện nay rất thấp" - ông Long phân tích.

Nhà chờ chuẩn châu Âu, xe buýt Hà Nội vẫn đông, chật? - 1

Chất lượng dịch vụ xe buýt không chỉ có nhà chờ mà điều cần thiết hơn là chất lượng trên xe.

Từ đó, ông Long cho rằng, TP. Hà Nội trước khi xây dựng hệ thống nhà chờ đạt tiêu chuẩn Châu Âu thì cần chú trọng tới việc đầu tư, nâng cấp chất lượng xe buýt để thu hút hành khách.

"Người sử dụng dịch vụ xe buýt thường có thời gian ngồi trên xe lâu hơn là đợi ở những điểm đón. Trong khi đó, đa số xe buýt hiện nay quá chật chội hoặc không đủ xe phục vụ dẫn đến tình trạng chen chúc, xô đẩy, mất vệ sinh trên xe...

Nếu như nhà chờ sang trọng mà khi lên xe chất lượng quá tệ sẽ khiến cho người tham gia cảm thấy thất vọng. Hơn nữa, những người sử dụng nhà chờ chưa chắc đã đi xe buýt nên việc xây nhà chờ không cần thiết bằng việc đầu tư vào xe trung chuyển" - ông Long bày tỏ.

Trong bối cảnh hiện tại, khi mà cả chất lượng nhà chờ và xe buýt của TP. Hà Nội đang không đạt được tiêu chuẩn mà lại huy động được nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, chuyên gia giao thông Trần Ngọc Đức cho rằng đây là điều nên làm. Bởi dù sao thì một phần dịch vụ cũng sẽ được nâng cấp, phục vụ cho người sử dụng.

"Điều quan trọng là việc đầu tư này không ảnh hưởng tới giá thành sử dụng dịch vụ. Khách hàng sẽ là người tự đưa ra quyền lựa chọn có sử dụng dịch vụ hay không. Nếu chất lượng quá thấp thì việc hành khách lựa chọn phương thức di chuyển khác là điều đương nhiên" - ông Đức nói.

Tuy nhiên, ông Đức cũng lưu ý, việc xây dựng 600 nhà chờ xe buýt đạt chuẩn Châu Âu cũng cần phải nghiên cứu phù hợp với tình trạng đô thị ở Việt Nam hiện nay. Không thể đưa ra một mẫu thiết kế chung rồi áp dụng cho cả 600 điểm lắp đặt.

 "Có những khu vực hạ tầng giao thông, chất lượng đô thị là khác nhau. Nếu áp dụng tràn lan sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, không đáp ứng được diện tích tối thiểu/hành khách, thậm chí gây khiến cho tình trạng ùn ứ, kẹt xe trầm trọng hơn vào giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ khách ở trên xe. Đây là điều quan trọng nhất bởi ở Thủ đô, tình trạng kẹt xe giờ cao điểm khiến khác sử dụng xe buýt phải ngồi hàng giờ đồng hồ trên xe, trong khi dịch vụ quá thấp thì nhà chờ đạt chuẩn Châu Âu cũng chẳng để làm gì!" - ông Đức bày tỏ.

Theo Khánh Vân

 Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm