Hà Nội: Lắp cầu trượt “tiễn” Táo quân về trời, dân thích thú xếp hàng chờ đến lượt
(Dân trí) - Khi thả cá, người dân chỉ cần đứng trên bờ hồ, đưa cá chép vào ống nhựa, sau đó cá sẽ tự trượt xuống hồ.
Để tránh tình trạng vứt rác, túi ni lông ra môi trường trong dịp Tết ông Công, ông Táo, một chung cư tại phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã nghĩ ra ý tưởng lắp cầu trượt, để người dân thả cá chép xuống hồ.
Theo đó, tại khu vực hồ nước của tòa nhà, một chiếc ống nhựa dài khoảng 4 mét được đặt trên mặt cỏ bên ngoài hàng rào bảo vệ.
Một đầu chiếc ống được thiết kế theo hình chiếc phễu, phía dưới được cắt vát 2 đầu để cá chép dễ dàng chui xuống. Khi thả cá, người dân chỉ cần đứng trên bờ, đưa cá chép vào ống nhựa, sau đó cá sẽ tự trượt xuống hồ.
Chứng kiến cảnh tượng này nhiều người dân ở đây tỏ ra vô cùng thích thú. Chị An, cư dân sống tại chung cư này cho hay, ý tưởng này được BQL tòa nhà đưa ra để giúp bà con thuận tiện trong việc làm lễ cúng ông Công, ông Táo, ngoài ra cũng hạn chế lượng rác thải vứt xuống sông hồ.
“Gia đình tôi thấy rất vui và hào hứng với cách thả cá độc đáo này. Mọi năm tôi phải xuống tận mép hồ rất nguy hiểm mới phóng sinh được cá chép, năm nay thì chỉ cần đứng trên bờ là được”, chị An nói.
Ngay từ sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, nhiều cư dân ở đây đã mang cá ra hồ thả, mọi người vui vẻ xếp hàng đến lượt, túi bóng, rác thải sau đó được để gọn vào thùng rác bên cạnh.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó trưởng ban Quản lý tòa nhà cho hay, tận dụng những ống nhựa công trình cũ, các thành viên trong BQL đã lắp đặt 2 ống nhựa quanh hồ, hỗ trợ người dân thả cá an toàn, bảo vệ môi trường trong dịp Tết ông Công, ông Táo.
“Những chiếc ống nhựa được chúng tôi lắp đặt từ ngày 20 Âm lịch. Trước đây nhiều người có thói quen phải xuống tận hồ hoặc đứng trên bờ quăng túi ni lông xuống nước, điều này vừa nguy hiểm, vừa gây ô nhiễm môi trường. Với cách làm thả cá mới này sẽ giúp việc thả cá đơn giản và tiện lợi hơn rất nhiều”, anh Tùng nói.
Phó trưởng ban Quản lý tòa nhà cũng cho biết, ý tưởng thả cá này được người dân tòa nhà hưởng ứng và rất ủng hộ.
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm theo phong tục của người Việt là ngày cúng ông Công, công Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày cúng ông Công, ông Táo chính là ngày vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó.
Để ông Táo có phương tiện về chầu trời, người Việt thường chuẩn bị 3 con cá chép sống (hay cá vàng) thả trong chậu nước. Sau khi cúng xong, người ta sẽ đem cá phóng sinh xuống ao, hồ hay sông.
Tục lệ thả cá chép bày tỏ sự tri ân đối với các vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc quan tâm, thu vén gia đình.
Hiệp Nguyễn
Ảnh, video: Vũ Đức Anh, Trọng Trinh