"Phát sốt" về hình ảnh đại gia khệ nệ vác bao tải tiền đi mua bất động sản

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Những đại gia vác cả bao tải tiền, xếp như chồng gạch đi mua bất động sản; bất động sản khắp nơi đang leo cao, bất ngờ xuất hiện thị trường giảm giá... là những thông tin nổi bật tuần qua.

Phát sốt về hình ảnh đại gia khệ nệ vác bao tải tiền đi mua bất động sản - 1

"Đại gia" lấy ra nhiều tỷ đồng ra đặt cọc nhà mới. Ảnh: MXH.

Những đại gia tiền mặt: Vác bao tải, xếp như chồng gạch đi mua bất động sản

Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay khá phổ biến, thuận tiện song nhiều vụ mua sắm có giá trị “khủng” như bất động sản vẫn được nhiều người sử dụng tiền mặt.

Mới đây, dân cư mạng chia sẻ hình ảnh một nghệ sỹ có tên tuổi mang cả bao tiền đi đặt cọc mua biệt thự. Căn biệt thự này được cho biết có trị giá lên đến 27 tỷ đồng. Số tiền cọc do vậy rất lớn và được nghệ sỹ này chồng như xếp gạch.

Ông Phạm Đức Toản - chủ một doanh nghiệp môi giới bất động sản ở Hà Nội  từng cho biết: Có những trường hợp mang cả bao tải tiền, 4-5 người đi theo hộ tống và di chuyển một quãng đường dài đến mua nhà.

Phát sốt về hình ảnh đại gia khệ nệ vác bao tải tiền đi mua bất động sản - 2

Hình ảnh một giao dịch mua bất động sản bằng tiền mặt. Ảnh: N.M.

Phát sốt về hình ảnh đại gia khệ nệ vác bao tải tiền đi mua bất động sản - 3

Nhà đầu tư vác từng bao tải tiền đi đổ vào đất. Ảnh: VNN.

Bất động sản khắp nơi đang leo cao, bất ngờ xuất hiện thị trường giảm giá

Lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, cũng giống như các đô thị lớn (Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng) suốt thời gian từ 2019 đến nay TP. Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa nói chung, rất hiếm dự án bất động sản mới được phê duyệt. Thị trường giao dịch ảm đạm, giá đất giảm sâu từ 20 -30%.

Cụ thể, giá căn hộ ở Nha Trang cho phân khúc bình dân và trung cấp đang ở ngưỡng 22-30 triệu đồng/m². Căn hộ cao cấp trước đây có giá bán từ 40-60 triệu đồng/m², thì nay đều phải điều chỉnh giảm khoảng 20-30% để bán được.

Tuy nhiên ở đây vẫn có điểm sáng là những dự án nằm tại những khu vực có quy hoạch phát triển, tiềm năng cao, đã được đầu tư hạ tầng cơ bản, có giá khởi điểm ở mức thấp… Do vậy, dự kiến những khu vực này sẽ có biến động mạnh về giao dịch ở giao đoạn cuối năm và đầu năm 2021.

"Sốt" đất Đồng Chanh: Dân Hà Nội xếp hàng chờ chủ đất... bỏ vợ, bán nhà!

Cơn "sốt" bất động sản quanh hồ Đồng Chanh đã kéo dài từ khoảng 1 - 2 năm nay, khi các dự án nghỉ dưỡng liên tục được xây dựng ở nơi này.

Do hiệu ứng mà dân đầu cơ bất động sản vẫn từ Hà Nội kéo nhau về mua đất nên thậm chí mảnh đất dưới chân đập có không ít người còn đang xếp hàng chờ mua.
Hiện, giá của cả 2 mảnh đất chỉ 1,7 tỷ đồng, nên tính ra mỗi mét vuông chỉ có giá 1 triệu đồng. Mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với khu đất khác và rất nhiều người hỏi mua.

Mặc dù vậy, mảnh đất này hiện vẫn phải chờ, vì chủ đất đang chờ ly hôn vợ mới có thể bán, còn một lần ra tòa nữa thủ tục mới hoàn tất. Nhiều người đã liên tục gọi tới, đếm từng ngày chủ đất bỏ vợ, để hỏi mua miếng đất này.

Phát sốt về hình ảnh đại gia khệ nệ vác bao tải tiền đi mua bất động sản - 4

Đất dưới chân đập cũng đang được nhiều người để ý

Mua đất 1 tỷ đồng, xong xuôi té ngửa vì bị “cò” ăn chênh hơn 300 triệu đồng

Trao đổi với Dân trí, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho biết, hiện nhiều môi giới không thu phí hoa hồng khoảng 1% hoặc tỷ lệ thoả thuận nào đó mà lấy tiền “ăn chênh”.

Cụ thể, khi chủ nhà đưa ra một mức giá nào đó, môi giới sẽ tìm khách và đưa ra mức giá cao hơn. Nếu bán được, chủ nhà sẽ nhận số tiền “thu về”, còn tiền chênh lệch, môi giới sẽ hưởng.

Bà Hằng nhấn mạnh, khâu định giá trong việc tìm mua bất động sản rất quan trọng, nhưng nhiều người chưa quan tâm, chú ý. Cũng chính điều này nên dễ phát sinh tình huống bị mua giá ảo, giá quá chênh so với thực tế.

Vị chuyên gia kể từng biết một bác lớn tuổi mua đất có nhà trong ngõ ở khu Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội. Thực tế bất động sản này được chủ nhà rao bán mấy tháng trước đó là 650 triệu đồng. Nhưng khi bác này làm việc qua đại lý môi giới thì mức giá được đưa lên 1 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với điều "đáng sợ" hơn cả Covid-19

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, bất động sản năm 2020 tiếp tục trải qua khó khăn. Nhưng tôi cho rằng, điều đáng sợ nhất với các doanh nghiệp không phải là Covid-19, mà đó là những rào cản, khó khăn về pháp lý.

Hệ thống pháp luật có những khoảng trống, xung đột , trong nội bộ một luật, giữa các luật, giữa luật này với văn bản hướng dẫn thi hành luật khác.

Các bất cập đã được doanh nghiệp kêu ca từ lâu, chuyên gia đã chỉ ra rất cụ thể, nhưng đến nay vẫn cứ vướng, cứ dừng lại và cứ bế tắc.

Trình tự, thủ tục phê duyệt dự án kéo quá dài, làm cho doanh nghiệp bị ứ đọng vốn đầu tư ban đầu, lãng phí công sức, tiền bạc và cả cơ hội kinh doanh. Nguồn cung thị trường giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp họ nói họ không sợ Covid-19 mà chủ yếu chờ đợi pháp luật.