Ở chung cư cao cấp lo bị trộm: Mệt mỏi, ngao ngán...
Được quảng cáo là chung cư cao cấp, hạng sang với giá cả chục tỷ đồng mỗi căn hộ nhưng hệ thống an ninh, an toàn PCCC lại không đảm bảo.
Ngao ngán với mỹ từ cao cấp
Nhiều vụ trộm cắp xảy ra tại những dự án cao cấp đã để lộ ra bất cập khiến nhiều gia đình bỏ ra cả chục tỷ đồng để sở hữu căn hộ chung cư cao cấp đang sống trong sợ hãi khi tình hình an ninh không được đảm bảo.
Ngày 21/7/2019, chia sẻ với Đất Việt, anh Cao Gia Hải (34 tuổi) đang sống tại một chung cư cao cấp ở Q. Hà Đông, TP. Hà Nội chia sẻ, gia đình anh từng bỏ ra hơn gần 5 tỷ đồng để sở hữu căn hộ tại dự án M.L. Khi đó, chủ đầu tư quảng cáo dự án đạt đẳng cấp 5 sao, cuộc sống Singapore ngay giữa lòng Hà Nội...
Nhưng ngay từ khi vào ở, anh Hải mới bất ngờ trước việc toàn bộ hành lang các tầng của 5 tòa nhà trong dự án không có hệ thống camera an ninh theo dõi. Tầng nào muốn lắp để đảm bảo an toàn thì các hộ dân của tầng đó phải tự bàn với nhau để lắp riêng, không có sự can thiệp của chủ đầu tư.
"Về việc lắp hệ thống camera an ninh ở hành lang, cũng một số tầng tự triển khai nhưng không đồng bộ. Hơn nữa, các nhà tự theo dõi hệ thống camera này thay vì phải có bộ phận kỹ thuật, an ninh của tòa nhà trực 24/24h. Điều đó dẫn đến việc người sống trong tòa nhà hay khách tới có thể vô tư đi lại, thoải mái trong chung cư mà không biết chuyện gì sẽ xảy ra" - anh Hải nói.
Không những thế, anh Hải còn cho rằng, hạ tầng của chung cư đang quảng cáo là cao cấp mà anh đang ở có nhiều bất cập như diện tích thang máy nhỏ, hệ thống lọc nước của tòa nhà kém...
Anh Hải nhớ lại: "Nhiều hôm đưa con đến trường, vừa bước vào thang máy thì có cư dân sống trong tòa nhà dắt con chó Ngao to như con bò vào trong thang máy khiến cả đám động sự chạy tan tác".
Chị Nguyễn Vân Anh sống tại Ngã tư Sở, TP. Hà Nội cũng có nhiều bức xúc khi gia đình bỏ ra gần 6 tỷ đồng để sở hữu căn hộ hạng sang nhưng khi nhận nhà thì lại cảm thấy bất an.
"Khi nhận thì họ chỉ gọi là hoàn thiện những cái cơ bản, còn những cái khác vẫn đang xây dựng. Nhưng để tránh việc bị phạt vì chậm bàn giao theo hợp đồng nên chủ đầu tư dồn người mua nhà vào ở. Khi chúng tôi nhận là hệ thống PCCC chưa hoàn thiện, con đường trước tòa nhà cũng còn ngổn ngang.
Một dự án cao cấp mà không quầy lễ tân, không khu vui chơi trẻ em, không đường đi bộ, không tầng cây xanh, không phòng sinh hoạt, không hòm thư báo. Đến cả cái thùng rác công cộng để ở các tầng cũng không có, đến nỗi cư dân không có chỗ vứt rác" - chị Vân Anh bày tỏ.
Bức xúc với chủ đầu tư là vậy, sau gần 1 năm chuyển về đây sinh sống, chị Vân Anh còn cảm thấy không hài lòng với cách cư xử của cư dân sống tại đây khi nhiều người vô tư để con nhỏ đi tiểu bậy ngay khu vực công cộng mặc dù nhà vệ sinh cách đó chỉ vài bước chân, người dân vô tư xả rác ra ngoài đến 2 - 3 hôm tôi quay lại chỗ đó mà không thấy ai dọn...
Một cư dân ở chung cư cùng chị Vân Anh cho biết, do việc quản lý lỏng lẻo, bảo vệ thì có nhiều người lớn tuổi nên từng xảy ra tình trạng trộm cắp. Vừa qua, nhiều xe đạp của cư dân để ngoài hành lang ở các tầng bị kẻ trộm lấy. Khi mất đến chiếc thứ 4 mới phát hiện kẻ trộm là bảo vệ cũ của chung cư nên thông thuộc ngóc ngách và biết cách né camera quan sát.
Tòa nhà trong KĐT Ciputra xảy ra vụ trộm nhưng không có camera hành lang theo dõi.
Mới đây nhất, một vụ trộm xảy ra tại KĐT Ciputra thuộc Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Nơi đây được coi là dự án cao cấp nổi tiếng, chủ đầu tư còn quảng cáo có hệ thống an ninh theo dõi hiện đại, đạt đẳng cấp quốc tế. Nhưng kẻ gian đã vô tư đột nhập vào trong căn hộ của một người ngoại quốc sống trong dự án, đập phá két sắt lấy đi tài sản hơn 8 tỷ đồng.
Điều bất ngờ là hàng lang của tòa nhà không có hệ thống camera theo dõi, gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy bắt đối tượng.
Gắn mác cao cấp để bán nhà
Trao đổi với Đất Việt về tình trạng trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản thừa nhận, hiện tượng nhiều chủ đầu tư gắn mác dự án cao cấp để dễ nâng giá bán là điều diễn ra phổ biến. Ngoài việc quản lý, vận hành chung cư cao cấp có nhiều bất cập thì ngay cả thiết kế của một dự án cao cấp cũng không đạt đủ tiêu chuẩn.
"Một dự án chung cư cao cấp phải đẩy đủ tiêu chuẩn, quy định mà Bộ Xây dựng đã ban hành như diện tích phòng ngủ, phòng khách bên trong căn hộ, diện tích tối thiểu của hành lang phải hơn 2m, hệ thống hạ tầng, khuôn viên dự án cũng đảm bảo mật độ cây xanh. Tuy nhiên, nhiều chung cư tự xưng là cao cấp không đáp ứng được những tiêu chuẩn này" - ông Nguyễn Đức Lành - giám đốc một công ty đầu tư bất động sản cho biết.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cũng thừa nhận, tình trạng loạn danh chung cư cao cấp, hạng sang tràn lan ở khắp nơi mà không được quản lý chặt chẽ. Ttrên thị trường xuất hiện tình trạng dùng tiếng nước ngoài để đặt tên cho chung cư, như "Luxury", "Hi-end", "Premier", "Royal"... Thực chất, đây chỉ là một thủ thuật "câu khách", quảng bá sản phẩm của các chủ đầu tư hiện nay.
"Những thông tin không trung thực về nhà ở là dấu hiệu gian lận trong kinh doanh bất động sản, làm cho người tiêu dùng bị lừa dối, dẫn đến bị thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà. Giai đoạn chủ đầu tư dự án mở bán căn hộ chung cư hình thành trong tương lai dưới "mác" chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang... là giai đoạn mà người mua nhà dễ bị mua nhầm sản phẩm không đúng như quảng cáo" - ông Châu nói.
Mặc dù tiêu chí về chung cư căn hộ cao cấp, hạng trung... đều đã có nhưng người mua nhà không tìm hiểu kỹ, cùng với đó là chủ đầu tư dự án cố tính giấu đi những phần thiếu sót nên khi cư dân nhận nhà và sống được một thời gian ngắn mới phát hiện ra.
Ông Châu cho rằng, để giải quyết tình trạng này, cần phải thay đổi một số điều tại luật Kinh doanh Bất động sản. Theo đó, chủ đầu tư dự án nhà chung cư hình thành trong tương lai chỉ được quảng cáo, tiếp thị để huy động vốn cho loại hình nhà ở chung cư sau khi Sở Xây dựng có văn bản công nhận đạt tiêu chí nhà ở.
Theo Công Hưng
Báo Đất Việt