"Nóng" chuyện giá đất: Giá nhà nước kém xa giá thị trường, thất thu vô cùng lớn
(Dân trí) - Dự kiến tăng khung giá đất; Bảng giá đất hiện tại chỉ bằng 30-40% thị trường gây thất thu lớn; Quyền biểu quyết chung cư tính theo m2; Chậm làm sổ đỏ cho cư dân, chủ đầu tư sẽ bị phạt cả tỷ đồng... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
"Nóng" vụ tăng giá đất: Người vui, kẻ buồn!
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho rằng việc tăng giá khung đất sẽ giúp những người có đất trong diện thu hồi sẽ có lợi hơn.
“Việc thu hồi đàm phán cho dự án phát triển kinh tế xã hội cũng sẽ thuận lợi hơn, giảm thiểu tranh chấp do mức giá đền bù quá thấp. Ngoài ra, Nhà nước thu được thuế phí nhiều hơn”, ông Quang nói.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan, hầu hết đều bày tỏ lo ngại. Bởi, giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường.
Khi mức giá của khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, doanh nghiệp khó khăn khi gánh chi phí lớn. Đồng thời người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
Chuyên gia: Quản lý đất đai không tốt khiến Việt Nam thất thu rất lớn
Tại “Hội thảo Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”, ông Đặng Hùng Võ cho biết: “Vừa qua, TP.HCM mất rất nhiều cán bộ (bị bắt, khởi tố - PV), kể cả cán bộ cấp cao như 2 Phó chủ tịch TP. Sao TP mất nhiều cán bộ thế? Vì ta 'ôm' quá nhiều quyền lực, từ đó thực thi có sai, dẫn đến mất cán bộ không cần thiết”.
Ông cũng cho biết, quản lý đất đai không tốt khiến Việt Nam thu ngân sách từ đất chiếm có 10%, trong khi các nước khác từ 50-90%. Riêng TP.HCM thu chưa đến 10% là quá thấp, chưa tương xứng tiềm năng.
Theo ông Võ, quản lý đất đai hiện nay hiện làm chưa tốt, chẳng hạn về giá đất, gây thất thu lớn. Bảng giá đất của Trung ương cũng như các địa phương đưa ra cũng chỉ bằng 30-40% giá thị trường thực tế.
Chậm làm sổ đỏ cho cư dân, chủ đầu tư sẽ bị phạt cả tỷ đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020.
Theo đó, đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không nộp hồ sơ, không cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua làm thủ tục cấp sổ đỏ sẽ bị phạt tùy vào mức độ vi phạm.
Trong trường hợp chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ từ 12 tháng trở lên, phạt tiền từ 100 - 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 500 triệu đồng -1 tỷ đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.
Quyền biểu quyết chung cư tính theo m2: Nhiều tiền hơn sẽ có nhiều quyền hơn
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo Thông tư này, quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích riêng khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng cho rằng, quy định hiện nay không công bằng giữa những người sở hữu căn hộ lớn, vừa hoặc nhỏ. Hoặc với chủ đầu tư, người sở hữu phần diện tích khác, mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ có diện tích lớn nhất, là bất cập.
Vì điều này làm cho chủ đầu tư và người sở hữu phần diện tích khác bị thiệt thòi. Do đó, Hiệp hội đề xuất quyền biểu quyết này nên tính theo tổng số m2 như cách tính quyền biểu quyết trong công ty cổ phần.
Đất "sốt" từng giờ, chuyên gia "hiến kế" điều chỉnh khung giá theo thị trường
Đánh giá về tác động khung giá đất hiện tại đối với thị trưởng, bà Trần Thị Khánh Linh cho hay: Khung giá đất hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị trường làm cho người bị thu hồi đất bị thiệt thòi và không đồng thuận. Làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm triển khai và dự án sẽ chậm đi vào hoạt động, là một tác nhân làm thu hẹp nguồn cung.
Đối với chủ đầu tư, nếu theo luật đất đai 2013, các dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính.
"Việc điều chỉnh khung giá đất nhà nước cũng không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản, từ đó giá thành các sản phẩm bất động sản cũng không bị ảnh hưởng nhiều" - bà Linh nói.
Chuyên gia Savills cho biết, thực tế đã cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa giá đất giao dịch trên thị trường và giá đất quy định theo khung giá và bảng giá đất, nên chăng các nhà làm luật chỉ nên quy định rõ ràng cơ chế, phương pháp xác định giá trị thị trường.
Giá đất TP.HCM cao nhất cả nước, mỗi mét vuông "đất vàng" đến cả tỉ đồng
Đây là thông tin được Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 22/11.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, TP.HCM được giao nắm giữ 209.500ha đất đai của cả nước; trong đó 114.000ha là đất nông nghiệp, 94.600ha là đất phi nông nghiệp. Trong tổng diện tích đất nói trên, 162.300ha đang được sử dụng, 47.300ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng và đất chưa sử dụng chỉ còn 927ha.
Hiện nay, TP.HCM có giá đất cao nhất cả nước. Mỗi mét vuông đất thuộc bất kể loại đất nào trên thị trường cũng có giá từ vài triệu tới khoảng 1 tỉ đồng. Điều này cho thấy mật độ kinh tế của TP.HCM rất cao, một lợi thế và cũng là thách thức về địa kinh tế trong phát triển bền vững.
Giá đất dự kiến tăng mạnh: Giá nhà có thể tăng theo, người nghèo thêm khó
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng việc tăng giá đất trong bảng giá đất sẽ có tác động mạnh tới thị trường bất động sản. Trong đó ảnh hưởng trước tiên sẽ là vấn đề giá.
Theo vị này, với các dự án bất động sản nhà ở, tiền đất thường chiếm 10-15% giá thành. Khi giá đất tăng 30%, 95% và thậm chí có nơi tăng gấp 5 lần thì giá bán chắc chắn sẽ tăng theo.
“Với mức giá như hiện nay thôi thì đã thổi bay khỏi thị trường sản phẩm nhà giá rẻ. Nếu tăng nữa thì cơ hội mua căn hộ giá thấp còn đâu?”, ông Đính đặt vấn đề.
Theo ông Đính, qua khảo sát cho thấy đối với một chung cư bình dân dưới 25 triệu đồng/m2 thì giá đất chiếm khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/m2. Nếu khung giá đất tăng – chi phí đầu vào tăng thì giá bán khó có thể nói không tăng theo.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, bảng giá đất tăng, kéo theo nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)