Quyền biểu quyết chung cư tính theo m2: Nhiều tiền hơn sẽ có nhiều quyền hơn

(Dân trí) - Bên cạnh quan điểm ủng hộ, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định biểu quyết hội nghị chung cư theo m2. Họ cho rằng cách tính này là không cần thiết hoặc nếu có sẽ là quy định giúp chủ đầu tư “trục lợi”, dân lại chịu thiệt.

Quyền biểu quyết chung cư tính theo m2: Nhiều tiền hơn sẽ có nhiều quyền hơn - 1
Theo Thông tư 06, quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích riêng khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.

Tranh cãi xung quanh quy định quyền biểu quyết theo m2

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Theo Thông tư này, quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích riêng khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.

Còn theo quy định hiện nay, quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị căn hộ.

Tức là mỗi căn hộ tương ứng với một phiếu biểu quyết. Đối với phần diện tích khác trong nhà chung cư không phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ lớn nhất theo thiết kế được phê duyệt tại nhà chung cư đó có một phiếu biểu quyết.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng cho rằng, quy định hiện nay không công bằng giữa những người sở hữu căn hộ lớn, vừa hoặc nhỏ. Hoặc với chủ đầu tư, người sở hữu phần diện tích khác, mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ có diện tích lớn nhất, là bất cập.

Vì điều này làm cho chủ đầu tư và người sở hữu phần diện tích khác bị thiệt thòi. Do đó, Hiệp hội đề xuất quyền biểu quyết này nên tính theo tổng số m2 như cách tính quyền biểu quyết trong công ty cổ phần.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại tỏ ra không đồng tình với quy định này. Họ cho rằng, tính quyền biểu quyết theo m2 là không cần thiết hoặc nếu có sẽ là quy định giúp chủ đầu tư “trục lợi”, dân lại chịu thiệt.

Theo đó, có ý kiến đề xuất phải mở rộng ra quyền bỏ phiếu tính theo m2 hay tính theo căn hộ để cư dân có thể lựa chọn. Đặc biệt hiện nay có rất nhiều tổ hợp chung cư đã trộn lẫn các chức năng của bất động sản, thậm chí, tại nhiều nơi chủ đầu tư có diện tích chiếm rất lớn trên tổng diện tích tòa nhà.

Như vậy, giải pháp đưa số m2 để bỏ phiếu biểu quyết hội nghị nhà chung cư mà không định nghĩa rõ ràng diện tích riêng chung của cư dân và chủ đầu tư liệu có phải là bất hợp lý, kẽ hở.

Có lo bị “trục lợi"?

Trao đổi với Dân trí, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam nhận định, mọi công bằng đều chỉ mang tính tương đối, khó tìm phương án tuyệt đối công bằng trong câu chuyện này.

Ông Quang ví dụ, đối với một gia đình sở hữu căn hộ 50m2 với 4 thành viên, một căn hộ khác sở hữu 100m2 cũng có 4 thành viên. Ở một khía cạnh nào đó, có ý kiến sẽ cho rằng nên tính theo đầu người là công bằng nhưng cũng có quan điểm sẽ cho rằng gia đình sở hữu căn hộ 100m2 tức là họ bỏ nhiều tiền hơn, phải có quyền quyết định nhiều hơn.

Đứng trên góc độ quản lý toà nhà, vị chuyên gia này nghiêng về cách tính theo m2 hơn. Theo đó, những chủ hộ sở hữu căn hộ nhiều diện tích hơn sẽ có tiếng nói tốt hơn.

Về ý kiến cho rằng sợ đầu tư “trục lợi”, ông Quang cho rằng: Thực tế, có nhiều cách để chủ đầu tư lợi dụng, tư lợi cho mình. Đó cũng là lý do vì sao người dân khi đi mua nhà, nên tìm hiểu thật kỹ uy tín chủ đầu tư. Nếu gặp chủ đầu tư có ý đồ xấu thì nhiều quy định chuẩn rồi vẫn bị họ bóp méo.

Ông Quang cũng cho rằng, không cần thiết để nhiều lựa chọn cho việc biểu quyết này. Nên thống nhất một phương thức biểu quyết thì sẽ dễ dàng hơn cho việc thành lập Ban quản trị cũng như vận hành sau này.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Hiến – Giám đốc Ban quản lý nhà – Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hà Nội lại cho rằng, cách biểu quyết theo căn hộ hiện nay sẽ đỡ phải tính toán chi ly từng số m2 mà mỗi chủ sở hữu căn hộ sở hữu để làm phiếu biểu quyết, cũng như khi kiểm phiếu.

Tuy nhiên, cách tính này cũng có khuyết điểm là không đảm bảo tính công bằng tuyệt đối do các chủ sở hữu diện tích các căn hộ là khác nhau trong khi quyền biểu quyết lại như nhau.

Mặc dù vậy theo vị này, việc tính quyền biểu quyết theo m2 là không cần thiết vì nó không phải là nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp của nhà chung cư như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, cách tính quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư theo căn hộ hiện nay nhiều ưu điểm hơn. Ông Đính cho biết, nếu tính quyền biểu quyết theo m2 sẽ rất phức tạp, tốn thời gian và không hiệu quả.

Nguyễn Mạnh