Nhiều hệ lụy sau sốt đất; đại biểu muốn điều tra việc người nước ngoài “núp bóng” mua nhà

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội kiến nghị điều tra tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài; Những hệ lụy buồn sau cơn sốt đất miền Trung hay báo cáo tiến độ "siêu" dự án tâm linh nghìn tỷ Hồ Núi Cốc của "đại gia" Xuân Trường... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua...

Siêu dự án hoành tráng tắt lịm, đại gia ngàn tỷ âm thầm thoát thân

 Từng quảng bá như một điểm đến trong tương lai nhưng không ít siêu dự án nghỉ dưỡng đã nhanh chóng chìm vào lãng quên do năng lực chậm triển khai của chủ đầu tư. Cái kết buồn cho những dự án này là dở dang và bị thu hồi.

 Cụ thể, năm 2018, UBND tỉnh Phú Thọ ký quyết định số 3206/QĐ-UBND về việc chấm dứt Dự án Khu đô thị sinh thái Du lịch nghỉ dưỡng Thể thao Tam Nông tại huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ).

Theo quyết định, dự án này bị chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời, UBND tỉnh Phú Thọ giao cho các sở, ban ngành liên quan phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện và báo cáo kết quả lên UBND tỉnh. Sau nhiều năm triển khai, dự án chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng được diện tích rất nhỏ với số tiền chỉ vài chục tỷ đồng…

Nhiều hệ lụy sau sốt đất; đại biểu muốn điều tra việc người nước ngoài “núp bóng” mua nhà - 1
Siêu dự án nghỉ dưỡng ở Phú Thọ

Đề xuất đánh thuế nơi sốt đất: Có phản tác dụng?

Bộ Xây dựng nhận định, nhiều đối tượng đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng thông tin chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường. Bộ này cũng dẫn chứng tình trạng đang diễn ra ở Quảng Ninh, KhánhHoàà, Kiên Giang, TP HCM.

Theo Bộ Xây dựng, giá của BĐS chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của BĐS, không phù hợp khả năng chi trả của số đông người dân…Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu đánh thuế những nơi sốt đất để góp phần bình ổn thị trường.

Về đề xuất đánh thuế, GS. Đặng Hùng Võ phân tích, lượng người mua tăng lên trong khi diện tích đất đai chỉ có vậy, đương nhiên giá sẽ tăng. Kèm theo đó, lực lượng môi giới, cò, lợi dụng những thông tin đó tìm cách đẩy giá, khiến giá đất lại tiếp tục nóng lên. Chính những điều đó đã tạo nên cơn sốt đất và phần nhiều là cơn sốt ảo. Cơn sốt dựa trên việc người ta mua đất, đầu cơ sau đó bán lại để hưởng chênh lệch…

Nhiều dự án condotel vi phạm cam kết lợi nhuận

Đây là thông tin được các chuyên gia cho biết tại hội thảo “Đầu tư vào đâu lợi nhuận cao và bền vững?” vừa mới diễn ra.

Theo các chuyên gia, tại các dự án kinh doanh condotel ở Việt Nam, chủ đầu tư thường dùng đòn bẩy cam kết lợi nhuận để bắt tay, thu hút nhà đầu tư, khách hàng. Con số cam kết lợi nhuận theo hợp đồng ký kết giữa hai bên ở mức rất cao từ 8 đến 12%/năm, thậm chí cá biệt có trường hợp cam kết được đẩy lên mức 14%/năm. Thời hạn thực hiện cam kết từ 8 đến 12 năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, vừa qua, có nhiều trường hợp nhiều dự án condotel ở Nha Trang, Đà Nẵng chưa đảm bảo thực hiện đúng cam kết lợi nhuận với khách hàng. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý để áp đặt chủ đầu tư đảm bảo quyền lợi cho khách hàng…

Nhiều hệ lụy sau sốt đất; đại biểu muốn điều tra việc người nước ngoài “núp bóng” mua nhà - 2
Nhiều dự án condotel vi phạm cam kết lợi nhuận

Hệ lụy buồn sau sốt đất ở miền Trung

Chứng kiến thị trường bất động sản ven biển miền Trung, từ ngõ ngách thị tứ, thị trấn đến các khu đất có tầm nhìn hướng biển, từ nhiều làng quê đến “đất vàng” đô thị “sốt nóng” cách đây không lâu, nhiều nhà đầu tư dù đã có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực này cũng không tránh khỏi cảm giác quay cuồng vì đất. Trong thời gian đó, đi đâu, ở đâu, người ta đều có thể thấy chủ đề nóng hổi là đất.

Trao đổi với phóng viên, ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQTT Công ty cổ phần Đầu tư 579, đơn vị có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này bày tỏ không ít quan ngại sau những thay đổi chóng mặt trên thị trường địa ốc miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong thời gian vừa qua. Ông cho rằng, thị trường bất động sản miền Trung hiện quá phức tạp, bản thân ông không dám đầu tư, bởi lẽ thị trường không theo quy luật nào cả, mọi thứ dường như được đẩy lên theo cảm tính.

Ông Trần Quang Thuận, chuyên gia môi giới bất động sản tại Đà Nẵng nhìn nhận, chính sự nhạy cảm “thiếu cơ sở” của thị trường đã bộc lộ nhiều sơ hở để những người môi giới không chân chính đánh vào tâm lý mua đất quy hoạch nhằm trục lợi. “Tôi không hiểu vì sao, những lời đồn vô căn cứ có thể khiến hàng chục, hàng trăm người sẵn sàng đổ hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng để sở hữu những khu đất mà giá trị trên giấy tờ được thổi lên cao hơn 5 - 10 lần so với thực tế”, ông Thuận trăn trở…

Sau tin đồn dừng thi công, "siêu" dự án tâm linh Hồ Núi Cốc bây giờ ra sao?

Mới đây, ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Dự án Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc.

Nhiều hệ lụy sau sốt đất; đại biểu muốn điều tra việc người nước ngoài “núp bóng” mua nhà - 3
"Siêu” dự án Hồ Núi Cốc của “đại gia” Xuân Trường từng "dính" tin đồn dừng thi công.

Theo báo cáo, tổng thể dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc chia thành 3 loại hình gồm: Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng (gồm các dự án thành phần: Đường Bắc Sơn kéo dài, Đường trục nốiĐTT 261 đến khu vực Đền Gàn, Hồ Núi Cốc, huyện Đại Từ);

Thứ 2 là dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách (gồm các dự án thành phần Khu du lịch Hồ Núi Cốc) do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng và thứ 3 là dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước là Dự án Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa.

Tại buổi làm việc, doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, đại diện các sở, ngành, địa phương đã báo cáo nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Khu du lịch Hồ Núi Cốc…

"Sốt đất" tại 4 huyện chuẩn bị lên quận: Thận trọng để tránh rủi ro

Giá đất tăng, giao dịch không tăng. Nghịch lý này đang diễn ra trên địa bàn 4 huyện nói trên. Đặc biệt tại huyện Đông Anh, khu vực được đánh giá "sốt" nhất là dọc trục đường Võ Nguyên Giáp (xã Vĩnh Ngọc), đường Võ Văn Kiệt (xã Kim Chung), trung tâm thị trấn Đông Anh...

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện một bộ phận không nhỏ giới đầu cơ mua nhiều lô đất và "tung hỏa mù" để tạo "cơn sốt ảo". Trong khi đó, trên thực tế, giao dịch đất đai tại huyện Đông Anh không tăng đột biến và người dân cũng không bỏ tiền "ôm" đất rầm rộ như nhiều năm trước.

Theo anh Trần Tùng, Văn phòng Bất động sản Tùng Đông Anh, từ đầu năm đến nay, giá đất trên địa bàn huyện tăng 15-30%, song giao dịch không tăng, thị trường ổn định và cũng không bị ảnh hưởng do giới đầu cơ "thổi phồng". 

TP HCM: Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mua bán nhà đất thông qua lập vi bằng

UBND quận 12, TP HCM vừa có thông báo về việc cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán, chuyển nhượng nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng trên địa bàn quận.

Theo đó, tại Thông báo số 5556/TB-UBND-TP, ngày 17/5/2019 về việc cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán, chuyển nhượng nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng trên địa bàn quận 12.

Cụ thể, UBND quận 12 cho biết trong thời gian qua, trên địa bàn quận xuất hiện nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng Thừa phát lại.  Đặc biệt, việc mua bán này nhằm mua, bán những căn nhà 3 chung (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà). Đồng thời, việc mua bán này được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người; chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý - thông báo nêu.

Đại biểu Quốc hội đề nghị điều tra tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Bình luận về câu chuyện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đại biểu Lê Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, ngay bây giờ chúng ta cần có sự vào cuộc để phát hiện và xem đây là vấn đề quan trọng để kịp thời xem xét, nghiên cứu và có quản lý.

Nhiều hệ lụy sau sốt đất; đại biểu muốn điều tra việc người nước ngoài “núp bóng” mua nhà - 4

Đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi về tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài.

"Tôi rất quan ngại với hiện tượng hiện nay có một số người Việt Nam đứng tên để mua nhà chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất có yếu tố nước ngoài, tôi cho rằng đây là hiện tượng cần hết sức cần hết sức quan tâm đến", bà Hạnh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đặc biệt lưu ý tới việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người ở nước ngoài ở những vùng nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. 

Quản lý đất đai: Chọn mặt gửi vàng chứ không phải "giao trứng cho ác"

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thẳng thắn cho biết, cử tri mong muốn, ủng hộ tri ân các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã và đang phát huy lợi thế đất đai, làm giàu cho đất nước, địa phương tạo ra đô thị văn minh, hiện đại, cùng nhà nước giải quyết vấn đề an cư để lập nghiệp đồng thời tạo cho các dự án sức lan tỏa, dẫn dắt động lực thúc đẩy để sản xuất, giải quyết việc làm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Song, điều đáng suy ngẫm nhiều tỷ phú về đất ôm nhiều đất vàng, đất kim cương tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị đồng thời thâu tóm hàng ngàn ha đất màu mỡ khác chờ thời. Các dự án này cũng là tài sản thế chấp ngân hàng mà thực chất giá trị từ đất là doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

Nghiêm cấm người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát trình bày trước Quốc hội sáng nay (27/5) cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị được ban hành khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, lĩnh vực này còn không ít tồn tại, hạn chế, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đáng lưu ý, trong phần kết quả giám sát không nêu nhận định cũng như con số liên quan đến việc sử dụng nhà, đất của người nước ngoài, song phần kiến nghị, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Bộ Công an: Có người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bất động sản

Trả lời về cử tri thành phố Đà Nẵng, Bộ Công an cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, hiện đang triển khai 6.175 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 65 tỷ USD.

"Các dự án đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của nước ta nói chung, các vùng miền có dự án đầu tư nói riêng; đồng thời củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước", Bộ Công an đánh giá.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, một số dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư còn một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm...

Nhiều hệ lụy sau sốt đất; đại biểu muốn điều tra việc người nước ngoài “núp bóng” mua nhà - 5
Cử tri lo ngại về tình trạng người Trung Quốc đứng tên người Việt mua bất động sản tại Việt Nam.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)