Đề xuất đánh thuế nơi sốt đất: Có phản tác dụng?

Bộ Xây dựng vừa đưa ra đề xuất đánh thuế những nơi sốt đất để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, đề xuất này không khả thi và phản tác dụng với thị trường.

Đề xuất đánh thuế nơi sốt đất: Có phản tác dụng? - 1

Cò tìm đủ mọi cách tạo cơn sốt đất tại Vân Đồn (Quảng Ninh) thời gian qua. Ảnh: Ngọc Mai

Khó chặn được đầu cơ

Bộ Xây dựng nhận định, nhiều đối tượng đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng thông tin chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường. Bộ này cũng dẫn chứng tình trạng đang diễn ra ở Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang, TP HCM.

Theo Bộ Xây dựng, giá của BĐS chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của BĐS, không phù hợp khả năng chi trả của số đông người dân…Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu đánh thuế những nơi sốt đất để góp phần bình ổn thị trường.

Về đề xuất đánh thuế, GS. Đặng Hùng Võ phân tích, lượng người mua tăng lên trong khi diện tích đất đai chỉ có vậy, đương nhiên giá sẽ tăng. Kèm theo đó, lực lượng môi giới, cò, lợi dụng những thông tin đó tìm cách đẩy giá, khiến giá đất lại tiếp tục nóng lên. Chính những điều đó đã tạo nên cơn sốt đất và phần nhiều là cơn sốt ảo. Cơn sốt dựa trên việc người ta mua đất, đầu cơ sau đó bán lại để hưởng chênh lệch.

Theo ông Võ, nếu áp thuế suất cao đối với những giao dịch mua đi bán lại, khi đầu cơ người ta sẽ phải tính toán. Việc Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế chênh lệch giữa những lần mua - bán là giải pháp tốt để chống đầu cơ. Những nơi có thông tin quy hoạch khu đô thị, dự án hạ tầng giao thông, giúp giá trị đất đai khu vực đó tăng lên, người dân được hưởng lợi, thì việc phải đánh thuế để điều tiết, phân phối lại phần giá trị gia tăng người khác được hưởng lợi là điều tốt nên làm.

Tuy nhiên, theo đại diện một văn phòng môi giới BĐS ở miền Bắc, chống đầu cơ, chống sốt đất có hai vấn đề: Một là Nhà nước phải minh bạch hóa về quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Hai là nên áp dụng các loại thuế cụ thể, rõ ràng như áp dụng với người sở hữu căn nhà thứ hai. “Để đưa ra một chính sách thuế phải theo quy trình. Bình thường muốn sửa đổi, bổ sung một nghị định, cơ quan chức năng ít nhất cần 7- 8 tháng… Khi thay đổi được thì sốt đất đã hạ, không thể áp dụng được nữa”, vị này nói.

Cần lộ trình đánh thuế nhà thứ hai

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, đưa ra một sắc thuế cần phải đảm bảo bình đẳng đối với mọi tầng lớp nhân dân; sắc thuế đó phải được triển khai trên mọi vùng miền đất nước.

 Theo ông Châu, thay vì vội vàng đánh thuế nơi sốt đất, sẽ là thuyết phục hơn nếu có lộ trình đánh thuế đối với người có căn nhà, đất thứ hai trở lên một cách hợp lý. “Làm như thế sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước cập nhật hệ thống dữ liệu sở hữu nhà ở của người dân, đồng thời, góp phần giúp thị trường nhà đất phát triển theo hướng bền vững”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, nên lưu ý đến diện tích của nhà đất khi đánh thuế để đảm bảo sự công bằng, không nên đánh thuế đối với những hộ gia đình đang ở chật và diện tích căn nhà thứ nhất, thứ hai, thứ ba đều quá nhỏ hẹp so với số m2 đầu người sử dụng thực tế...

Việc áp thuế để chống sốt đất cục bộ, theo GS Đặng Hùng Võ phải giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất, xác định rõ tính chính danh của người sử dụng đất. Đang có tình trạng phổ biến là nhiều người có nhà nhưng không đứng tên, hay mua nhà không cần sang tên. Nếu không chính danh sẽ rất khó xác định mảnh đất đó đã mua hay bán, đã chuyển nhượng chưa. Thứ hai, phải xác định được giá đất trong mỗi lần mua - bán. Hiện nay, người mua - bán thường kê khai giá rất thấp so với thực tế, thậm chí họ dựa vào bảng giá đất địa phương công bố để kê khai.

“Ngăn sốt đất vẫn là việc phải làm. Nhưng tôi nhấn mạnh cách làm như thế nào và thống nhất cách làm ra sao phải được quan tâm hơn. Bởi nếu không có giải pháp để ngăn bong bóng BĐS, có thể dẫn đến sốt đất cục bộ. Còn việc kiến nghị của Bộ Xây dựng về đánh thuế cao ở những nơi sốt đất có đánh đồng cả vùng hay không, cần phải làm rõ nội hàm khái niệm sốt đất và tiêu chí về giá để so sánh”, ông Võ nói.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, tại các địa phương xảy ra sốt đất vừa qua, mỗi nơi có hướng xử lý mỗi kiểu, thậm chí chưa thực sự khoa học và phù hợp. Ví dụ, khi có sốt đất, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) ban hành lệnh tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa. Vân Đồn sốt đất, Quảng Ninh yêu cầu tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Làm như thế là không phù hợp quy định của pháp luật.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong