Quản lý đất đai: Chọn mặt gửi vàng chứ không phải "giao trứng cho ác"

(Dân trí) - Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải kịp thời bịt lỗ hổng trong quản lý đất đai, có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, sai phạm.

Quản lý đất đai: Chọn mặt gửi vàng chứ không phải giao trứng cho ác - 1

Sai phạm quản lý đất đai: Đại biểu kiến nghị xử lý cả doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Thảo luận về quản lý đất đai, quy hoạch, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị các sai phạm phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với doanh nghiệp, các chủ đầu tư.

"Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Không thể vỗ tay bằng một bàn tay, sai phạm xảy ra ngoài trách nhiệm vi phạm của công chức cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Vì vậy, cũng cần phải xử lý nghiêm", ông Hàm nhấn mạnh.

Nói về đóng góp của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ: "Nhiều doanh nghiệp có những đóng góp rất quan trọng, biến đất đầm lầy, đất thường trở thành đất vàng, trở thành khu đô thị khang trang và hoành tráng. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập hạn chế thậm chí là hết sức yếu kém".

Ông Phương dẫn ví dụ, có những khu vực quy hoạch rồi, tiến hành rồi nhưng do chi phối của các doanh nghiệp nên nhiều lãnh đạo tỉnh, đi theo lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cá nhân và làm cho quy hoạch thay đổi gây bức xúc cho người dân. Đặc biệt làm ách tắc giao thông ở đô thị hoặc vấn đề khác trong cảnh quan.

"Không ít tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, bị doanh nghiệp chi phối, chạy theo lợi nhuận doanh nghiệp. Nhiều sai phạm nghiêm trọng cần xử lý, gây cản trở các dự án không được thực hiện cưỡng chế hoặc hạ thấp kỷ cương", ông nói.

Đại biểu cũng cho ra rằng, các công ty, doanh nghiệp, cá nhân thiếu tuân thủ pháp luật, còn tư tưởng làm ăn chụp giật cố ý làm sai vì chạy theo lợi nhuận, cũng có không ít doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, lấn chiến sử dụng đất công. Nhiều cơ quan đã tùy tiện cho doanh nghiệp thuê đất ở tại cơ quan mà chưa được sự cho phép của các cơ quan quản lý.

"Tất cả những hạn chế trên đây đã có rất nhiều bất bình trong dư luận xã hội, bất cập trong quản lý đất đai làm cho thất thoát tài sản đô thị, xuất hiện ẩn nấp nhiều sai phạm của tổ chức và cá nhân đặc biệt làm cho vấn đề khiếu nại, tố cáo gia tăng. Những sai phạm trên làm mất niềm tin của nhân dân, gây phản ứng trong dư luận vào tạo kẽ hở trong quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị", ông đánh giá.

Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thẳng thắn cho biết, cử tri mong muốn, ủng hộ tri ân các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã và đang phát huy lợi thế đất đai, làm giàu cho đất nước, địa phương tạo ra đô thị văn minh, hiện đại, cùng nhà nước giải quyết vấn đề an cư để lập nghiệp đồng thời tạo cho các dự án sức lan tỏa, dẫn dắt động lực thúc đẩy để sản xuất, giải quyết việc làm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Song, điều đáng suy ngẫm nhiều tỷ phú về đất ôm nhiều đất vàng, đất kim cương tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị đồng thời thâu tóm hàng ngàn hécta đất màu mỡ khác chờ thời. Các dự án này cũng là tài sản thế chấp ngân hàng mà thực chất giá trị từ đất là doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

Theo ông Vượt, việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát thậm chí liều, không tuân thủ pháp luật. "Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền theo đó lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất", ông nói.

Đồng thời, đại biểu cũng lo ngại lợi dụng cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiệp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín.

"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải kịp thời bịt lỗ hổng này, có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, sai phạm. Quan trọng hơn cả là phải thu hồi tài nguyên đặc biệt này để chọn mặt gửi vàng chứ không phải chọn trứng gửi cho ác, không ngoại trừ chuyển nhượng cho người nước ngoài, luồn lách mà doanh nghiệp vẫn đứng tên", ông nhấn mạnh.

Phương Dung