Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS:

"Nhiều chủ đầu tư còn hàng nhưng không bán, chờ giá căn hộ tăng lên"

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Giá bất động sản ngày một tăng cao, ngược chiều với nguồn cung. Nhiều chủ đầu tư dù còn hàng vẫn không tung ra mở bán mà chờ giá tiếp tục lên.

Có chủ đầu tư còn hàng nhưng không bán, chờ lên giá

Đó là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết tại hội thảo về bất động sản diễn ra mới đây.

Theo ông Khởi, giá bất động sản trong 2 năm Covid-19 vừa qua đi ngược chiều với nguồn cung. Giá căn hộ năm 2021 bình quân tăng 5-7%, có nơi tăng 10-15%; giá nhà ở riêng lẻ tăng 15-20%; còn đất nền tăng 20-30%, cá biệt có nơi tăng 50%.

Nhiều chủ đầu tư còn hàng nhưng không bán, chờ giá căn hộ tăng lên - 1

Theo HoREA, chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở (Ảnh: Hữu Khoa).

Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản đã đưa ra một số nhận định về nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao. Trong đó, vấn đề đầu tiên được nhắc tới đó là thực trạng mất cân đối cung - cầu khi nguồn cung ngày càng giảm, nhu cầu ngày càng tăng.

Một số dự án vẫn "tắc lại" vì chưa tháo gỡ được vướng mắc về pháp lý. Thậm chí có những dự án vướng mắc kéo dài 3, 4 năm chưa tháo gỡ được. "Giá bất động sản tăng chủ yếu do cung ít cầu cao. Trong khi đó, dòng tiền chảy vào bất động sản lớn khi đầu tư kinh doanh gặp khó khăn", ông Khởi nhận định.

Do vậy, khi bàn về giải pháp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ông Khởi nhấn mạnh tới việc tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, quy định. Dù vừa qua, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành chính sách, cơ chế nhằm tháo gỡ nhưng vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn để giải bài toán về nguồn cung. "Vẫn còn sự mâu thuẫn chồng chéo khó khăn khi thực hiện dưới địa phương", ông Khởi nói.

Theo vị này, ở thị trường hiện nay chúng ta không "sợ" xây nhà ra không bán được mà "sợ" không có hàng bán. "Nhiều người nói nhà giá rẻ thì ít nhưng nhà giá cao vẫn còn. Có chủ đầu tư còn hàng nhưng không bán, chờ lên giá mới bán. Chứng tỏ số liệu tồn kho không biết có phải tồn kho không khi mà doanh nghiệp thực tế không muốn bán mà chờ", ông Khởi nêu thực tế.

Trước đó, thông tin về chỉ số được nhiều người quan tâm là lượng tồn kho bất động sản, ông Khởi cho biết, năm 2021, ước tính có hơn 2.200 căn hộ tồn kho, ít hơn nhiều so với các năm trước (trong năm 2020 là hơn 9.000 căn).

Cũng theo ông Khởi, giá bất động sản, đặc biệt giá đất nền tăng rất mạnh ở những nơi có nâng cấp về hành chính, quy hoạch. Tuy nhiên, trước những lo ngại về bong bóng bất động sản toàn thị trường, ông Khởi lại cho rằng chỉ có sốt cục bộ, nhiều điểm "sốt" nhưng không phải "sốt" cao...

Chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội

Nguồn cung bất động sản là vấn đề được giới chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thời gian qua. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, để kéo giảm giá nhà ở trên thị trường bất động sản thì phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở.

"Trong đó muốn tăng nguồn cung nhà ở thì trước hết phải tháo gỡ một số "vướng mắc, bất cập" của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất đa dạng từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội", ông Châu nói.

Bên cạnh đó, để cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững, ông Châu cho rằng cần phải rà soát để hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển thị trường vốn, bao gồm thị trường tiền tệ - tín dụng, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Cùng với đó là xây dựng chính sách thuế tài sản như thuế nhà đất, bởi lẽ hiện nay mới chỉ có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ở với thuế suất rất thấp 0,03%", ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, do thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua, biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở (so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập).

Trước thực tế này, lãnh đạo HoREA đã đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm làm tăng nguồn cung nhà ở thương mại, nhà ở xã hội để kéo giảm giá nhà.

Cụ thể, đó là đề xuất tháo gỡ "ách tắc" cho các dự án nhà ở thương mại "có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở.

Đồng thời, HoREA đề xuất giải pháp tháo gỡ "vướng mắc" cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra theo hướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều này nhằm thu đúng, thu đủ, hoặc thu hồi triệt để giá trị tài sản Nhà nước, nguồn thu ngân sách Nhà nước bị thất thoát, sau đó cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án, hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm