Chung cư vào ở mãi vẫn lên giá, chuyên gia vạch lý do lớn nhất

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Nêu thực trạng giá bất động sản của Việt Nam đang quá đắt đỏ lại không ngừng tăng mạnh qua các cơn sốt đất, chuyên gia cho biết, lý do lớn nhất xuất phát từ vấn đề nguồn cung hiện nay.

Chung cư vào ở mãi vẫn lên giá, chuyên gia vạch lý do lớn nhất - 1

Xuất hiện những đợt tăng giá vừa qua, ông Trương Thanh Đức cho rằng không nên chỉ "đổ lỗi" cho một số cá nhân. Nhìn rộng ra thì đây là vấn đề của thị trường, mất cân đối cung - cầu (Ảnh: BTC).

Ngày 28/3, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Đất đai - Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản.

Phát biểu tại hội nghị, Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhấn mạnh đến những nút thắt của luật khiến thị trường bất động sản ách tắc trầm trọng về nguồn cung.

Ông Đức cho biết, giá bất động sản của Việt Nam đang quá cao, thuộc "top" đắt đỏ nhất thế giới, trong khi đó giá không ngừng tăng nhanh. "Mua chung cư ở mãi ra vẫn lên giá. Nhà đất Hà Nội, TPHCM lên giá thì kéo theo các vùng khác cũng lên", ông Đức nói.

Xuất hiện những đợt tăng giá vừa qua, ông Đức cho rằng không nên chỉ "đổ lỗi" cho một số cá nhân, bởi cả triệu người tham gia vào thị trường này. Vấn đề lớn nhất hiện nay của thị trường, theo ông Đức, đó là sự chênh lệch rất lớn về cung - cầu. Sự khan hiếm nguồn cung bất động sản là hệ lụy của việc vướng mắc, chồng chéo pháp luật.

Theo vị chuyên gia, nếu cầu cao thì không còn cách nào khác phải cân bằng bằng nguồn cung. Phương án để gỡ khó hiện nay theo ông Đức, đó là xem xét cho phép chuyển đổi đất khác thành đất ở để khơi thông thị trường.

"Về nhu cầu, cách đây vài năm chỉ tăng vài phần trăm, nhưng gần đây nhu cầu bất động sản tăng vài chục phần trăm trong khi nguồn cung lại không đáp ứng đủ", ông Đức nêu thực tế.

Vị này cũng nhấn mạnh, thị trường dư thừa thì sẽ không tăng giá, còn cung thiếu thì quy luật là tăng giá, gây khó khăn cho việc tiếp cận nhà ở của nhiều người, đồng thời làm gia tăng cơ chế xin cho.

Góp ý tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest, cho biết, bất động sản là một ngành phức tạp. Theo thống kê, tác động vào bất động sản hiện đang có khoảng 12 Luật, còn liên quan thì có tới 60 Luật.

"Nếu xét về thủ tục hành chính thì một dự án theo tính toán của chúng tôi phải có 36 con dấu mới hoàn thành. Thậm chí theo ý kiến của một luật sư thì có tới 120 con dấu nếu tính cả những quy định không chính thức. Có thể nói là thủ tục hành chính về bất động sản vô cùng phức tạp", ông Hiệp than thở.

Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, các thủ tục pháp lý thường được ví như "ma trận". Vậy sửa như thế nào? Ông Hiệp cho rằng cần lấy Luật Đất đai, Luật Đầu tư làm hai luật nền để từ đó làm cơ sở sửa đổi.

GS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại học Luật Hà Nội cũng cho biết, hệ thống pháp luật về kinh doanh bất động sản còn tồn tại một số điểm nghẽn cần tháo gỡ để góp phần phục hồi sự phát triển của thị trường bất động sản sau đại dịch Covid-19.

Muốn vậy theo ông Tuyến, cần có sự tìm hiểu, đánh giá để nhận diện những điểm nghẽn giữa một số đạo luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, bao gồm: Luật Đất đai năm 2013, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Nhà ở năm 2015, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

"Mặt khác, mâu thuẫn trong các bộ luật hiện nay có nhiều điều chưa phù hợp nhưng cũng đánh giá ở mặt tích cực không nên nhìn tiêu cực. Bởi vì thị trường đang có những biến động, sang một giai đoạn mới sẽ có những điều trong luật chưa hợp lý cần sửa đổi", ông Tuyến nhấn mạnh.