Bất động sản bị chê đắt đỏ, xuất hiện trở ngại lớn cho nhu cầu ở thực
(Dân trí) - Nhiều người mua nhà tại Việt Nam cho rằng, giá bất động sản hiện nay thiếu sự hợp lý và trở thành sản phẩm quá đắt đỏ với người lao động.
Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Báo cáo chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam vừa được Batdongsan.com.vn công bố.
Cụ thể, thông qua khảo sát người tiêu dùng bất động sản tại Việt Nam, báo cáo chỉ ra hơn 55% người Việt hài lòng với hướng phát triển của thị trường hiện tại nhưng cũng không ít người dùng không hài lòng về diễn biến và phát triển của thị trường.
Trong đó, gần 52% người tham gia khảo sát cho biết, yếu tố giá bán tăng quá nhanh là nguyên nhân khiến họ không hài lòng với thị trường bất động sản. Việc giá bán tăng cao đã khiến nhiều người không thể tìm được sản phẩm bất động sản ở các khu vực họ mong muốn và phù hợp mức ngân sách dự kiến. Phần lớn nhóm đối tượng này là những người có nhu cầu mua nhà ở thực.
Đáng chú ý có hơn 67% người dùng nhận xét giá bán bất động sản tại Việt Nam hiện nay khá cao, trong đó 23% cho rằng giá đang quá cao, vượt xa tầm thu nhập của người mua.
Bất cập giá bán cũng dẫn đến 75% người mua nhà tại Việt Nam cho rằng, giá bất động sản thiếu sự hợp lý và trở thành sản phẩm quá đắt đỏ với người lao động. Hơn 30% người dùng Việt cho biết họ không có khả năng mua nổi bất động sản trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ có khoảng 55% người dùng nhìn nhận họ có thể mua được bất động sản nhưng với điều kiện phải có sự hỗ trợ tài chính. Gần 48% người mua nhà có quan điểm cho rằng trước xu thế giá nhà tiếp tục tăng trong năm 2022, các chính sách khuyến mãi, hỗ trợ tài chính của chủ đầu tư sẽ ngày càng được người mua nhà xem trọng và kỳ vọng là giải pháp chính mang lại sự thuận lợi trong việc mua bất động sản.
Dù không hài lòng với xu hướng tăng giá quá nhanh của bất động sản nhưng khảo sát cũng cho thấy gần 90% người dùng Việt nhìn nhận, xu hướng này sẽ khó có thể dừng lại trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, phần lớn có quan điểm khác nhau về tỷ lệ tăng giá nhà, khoảng 26% người dùng cho rằng giá nhà sẽ chỉ tăng ở khoảng từ 5-10%, 31% nhận định giá bất động sản có thể tăng trên mức 10% mỗi năm và khoảng 32% cho rằng giá sẽ tăng dưới mức 5%/năm.
Trước đó, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư.
Bên cạnh tình trạng sốt đất, theo HoREA, còn có tình trạng giá nhà tăng vọt, mà nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu căn hộ có giá vừa túi tiền (tầm trên dưới 35 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 2 tỷ đồng), hoặc nhà ở thương mại giá thấp (tầm 20-25 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 1,5 tỷ đồng), nhà ở xã hội. Điều này cũng dẫn đến việc khó tiếp cận bất động sản ở đối với đại đa số bộ phận người lao động.
Trước thực tế trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA từng đề nghị các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản cùng nhau phối hợp chặt chẽ để kiểm soát giá nhà, không để tình trạng giá nhà tăng nóng, tăng ảo xảy ra trên cơ sở xác định "lợi nhuận kỳ vọng" ở mức hợp lý, chia sẻ hiệu quả đầu tư với khách hàng và cộng đồng xã hội. Đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ về nguồn cung, giải tỏa áp lực tăng giá bất động sản...