Nhà xây vượt tầng "hết đất sống", nếu Hà Nội tăng xử phạt lên 2 tỷ đồng?
(Dân trí) - Hà Nội sẽ tăng gấp rưỡi mức xử phạt vi phạm trật tự xây dựng, mức cao nhất có thể lên tới 2 tỷ đồng. Dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá, tăng mức xử phạt không thể xử lý tận gốc vấn nạn này.
Hà Nội sẽ tăng mức xử phạt vi phạm trật tự xây dựng
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố dự thảo lần 3 quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Theo dự thảo này, mức tiền phạt sẽ tăng gấp rưỡi so với trước đó. Cụ thể, đối với hành vi khởi công xây dựng công trình thiếu mặt bằng xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, biện pháp đảm bảo an toàn, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Khung phạt 2 - 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định.
Phạt tiền 12 - 60 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp, đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo.
Với các công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng, khung phạt tiền từ 40 - 120 triệu đồng.
Phạt tiền lên tới 240 triệu đồng đối với nhà ở không phù hợp với quy hoạch, vi phạm chỉ giới xây dựng, sai cốt xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, khu di tích lịch sử…
Đáng chú ý, Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị mức phạt lên tới 2 tỷ đồng đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trật tự xây dựng mà vẫn tiếp tục sai phạm.
Tăng mức xử phạt chưa phải là “gốc” của các vi phạm trật tự xây dựng
Nhìn nhận về vấn đề này, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Văn phòng Luật sư Nghiêm Quang, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, lý do quan trọng nhất khiến các hành vi vi phạm trật tự xây dựng “bùng nổ” trong thời gian gần đây chính là do công tác quản lý xây dựng cấp địa phương yếu kém, một số cán bộ biến chất có xu hướng vụ lợi cá nhân.
Hàng năm, Hà Nội có hàng trăm công trình vi phạm trật tự xây dựng. Một số vi phạm điển hình như: không có giấy phép xây dựng, nhà vượt tầng, nhà lấn chiếm;...
Theo Luật sư Vinh, với những vi phạm thường xuyên mắc phải, chắc chắn lãnh đạo Hà Nội sẽ biết, cấp địa phương càng phải biết. Nhưng, chỉ khi nào có hộ dân sống xung quanh tố giác, các đội trật tự xây dựng mới tiến hành xử phạt.
Khi phát hiện ra sai phạm, đáng lẽ các đội quản lý xây dựng phải xử phạt từ đầu.
Thế nhưng, có nhiều trường hợp, các công trình gần hoàn thiện và đang trong quá trình nghiệm thu, khi đó cơ quan chức năng mới quay trở lại “mắt nhắm, mắt mở” lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định.
“Xây dựng gần xong rồi, đội quản lý trật tự mới đến xử phạt hành chính có tác dụng gì? Không lẽ, bắt chủ nhà đập đi xây lại. Cũng vì xử phạt muộn, nên nhiều chủ nhà nghiễm nhiên “tẩy trắng” sai phạm, dẫn đến hiện tượng “nhờn” với luật pháp”, ông Vinh thẳng thắn chia sẻ.
Do đó, Trưởng văn phòng Luật sư Nghiêm Quang nhìn nhận, nếu người thực thi pháp luật chưa công minh, thì việc tăng mức xử phạt lên gấp đôi, hay gấp 3 lần cũng không thể giải quyết triệt để vấn nạn này.
“Tăng mức xử phạt vi phạm trật tự xây dựng có thể làm tăng ngân sách cho thành phố. Điều này cũng là hậu quả dẫn đến việc, người thực thi pháp luật có thể lạm dụng quyền lực trong cái việc mà xử lý vi phạm hành chính. Nếu Hà Nội nghĩ rằng, việc tăng mức xử phạt sẽ giải quyết triệt để các vi phạm, thì đó là một suy nghĩ ấu trĩ và sai lầm”, vị này nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để giải quyết triệt để các vi phạm trật tự xây dựng, Hà Nội nên phân vùng quy hoạch và giới hạn số tầng. Ví dụ, quận Hoàn Kiếm chỉ được phép xây dựng 5 tầng, hoặc quận Ba Đình bị giới hạn 7 tầng;... Quy định này sẽ khiến diện mạo đô thị trở nên đồng đều hơn.
Đồng thời, Dự thảo mới phải yêu cầu chủ nhà công khai giấy phép xây dựng cho phía nhà thầu. Nếu xảy ra vi phạm, các đội quản lý xây dựng phải lập biên bản xử phạt cho cả 2 bên.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng chuyên ngành của Sở này đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với 237 trường hợp vi phạm mới.
Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.