Nhà tập thể cũ được rao gần trăm triệu đồng mỗi m2, nghi "ngáo giá" khó bán
(Dân trí) - Bán căn hộ chung cư cũ, nghe chủ nhà "hét giá", khách "hết hồn"; Đại gia bất động sản vay tiền ồ ạt qua trái phiếu: Xuất hiện rủi ro lớn... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Bán căn hộ chung cư cũ, nghe chủ nhà "hét giá", khách "hết hồn"
Mới đây, trên một diễn đàn mua bán bất động sản ở Hà Nội, một chủ nhà rao bán căn hộ tập thể tầng 3 trong ngõ phố Tạm Thương, Hàng Bông, Hoàn Kiếm có diện tích 100 m2 (trong đó 80 m2 sổ đỏ và 20 m2 cơi nới).
Sau khi căn hộ được rao bán, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên với mức giá cả trăm triệu đồng mỗi m2 căn hộ tập thể cũ lại còn sâu trong ngõ. Thậm chí có người cho là chủ nhà "ngáo giá".
Anh Tiến - một môi giới chuyên bất động sản nhà ở - chia sẻ, nếu đưa ra mức giá như vậy sẽ rất khó bán, bởi với số tiền lên tới gần 9 tỷ đồng như vậy có rất nhiều lựa chọn.
Thực tế gần đây rất nhiều căn hộ cũ được rao bán với giá cao bất ngờ. Cách đây không lâu, có người cũng rao bán căn hộ tập thể chỉ 24 m2 ở phố Vọng Đức, Hàng Bài với giá 2,4 tỷ đồng.
Đại gia bất động sản vay tiền ồ ạt qua trái phiếu: Xuất hiện rủi ro lớn
Theo báo cáo vừa công bố của SSI Research, trong quý III, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 85.000 tỷ đồng (giảm 2,7% so với cùng kỳ và chiếm 45% tổng lượng phát hành trong quý).
SSI Research cho biết, câu chuyện về "bom nợ Evergrande" đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp. Đáng chú ý, loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác khi hầu hết phát hành đều không có tài sản đảm bảo.
Riêng trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.
Cụ thể, nếu tính các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140.000 tỷ đồng - chiếm 67% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 9 tháng đầu năm. Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành, trong đó có một số lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.
Căn hộ chung cư đua nhau đòi tăng giá, người mua "chóng mặt"
Chị Hương tâm sự, cứ ngỡ sau Covid-19 giá nhà sẽ hạ nhiệt, ai dè giá cả tăng chóng mặt so với mức thu nhập của vợ chồng chị. "Suốt 2 tháng qua tìm kiếm mà không mua nổi, đã tăng giá lại còn khó mua vì cũng không có nhiều lựa chọn, giờ lấy đâu mấy trăm triệu để bỏ thêm vào mua nhà?", chị Hương buồn rầu chia sẻ.
Thủy - một môi giới chuyên mảng chuyển nhượng chung cư - cho biết, nhiều khách hàng đắn đo khi ra quyết định mua căn hộ hồi năm ngoái. "Rất nhiều vị khách còn khăng khăng giá rồi sẽ giảm sau một thời gian ngấm đòn Covid-19, nhưng thực tế lại ngược lại", Thủy cho biết, giá tăng khiến cung - cầu khó gặp nhau, môi giới ở giữa "khó xử", giao dịch chậm lại.
Theo lý giải của các chuyên gia, nguồn cung căn hộ thấp, đi kèm với đó là chất lượng phát triển cải thiện, cơ sở hạ tầng nâng cấp cùng với việc giá thép tăng gần đây đã dẫn đến giá bán căn hộ sơ cấp liên tục tăng. Điều này dẫn đến việc tăng giá các căn hộ cũ khi người mua không có nhiều lựa chọn cho các dự án mới.
Bêu tên loạt doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế, tiền đất hàng trăm tỷ đồng
Cục Thuế Hà Nội vừa đăng công khai thông tin nợ thuế theo quy định đối với các đơn vị nợ đọng lớn, chây ỳ trên địa bàn.
Theo đó, có 369 doanh nghiệp có số nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất với tổng số tiền nợ lên tới hơn 409 tỷ đồng.
Trong số này, có 6 doanh nghiệp nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất với số nợ còn lại đến 1/11/2021 là 264,5 tỷ đồng. 306 doanh nghiệp nợ thuế, phí với số nợ còn lại đến 13/11 là gần 116 tỷ đồng. 57 doanh nghiệp nợ thuế, phí khó thu kỳ khóa sổ 30/9/2021 với số nợ hơn 29 tỷ đồng.
Theo danh sách chi tiết đi kèm, 6 doanh nghiệp nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất được Cục thuế Hà Nội nhắc tới đó là: Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á; Công ty TNHH Tân Hoàng Phi; Công ty CP Tập đoàn Sao Sáng; Công ty CP Haprosimex Thăng Long; Công ty CP Hải Bình; Công ty CP Viptour - Togi.
Đại gia xây dựng Hòa Bình muốn rút khỏi công ty chứng khoán đang lỗ nặng
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa thông qua nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Sen Vàng. Hòa Bình dự kiến bán ra 5,7 triệu cổ phiếu Sen Vàng, tương ứng 42,5% cổ phần công ty chứng khoán này, với giá không dưới 6.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 3 tháng.
Như vậy, dự kiến Hòa Bình sẽ thu về không dưới 34 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn khỏi công ty chứng khoán trên. Sen Vàng là một trong số sáu công ty liên kết hiện tại của Hòa Bình. Đây cũng là một trong số ít những khoản đầu tư gần như không liên quan đến hoạt động kinh doanh lõi của Hòa Bình là xây dựng.
Trước đó, trong họp đại hội thường niên năm nay, Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải đã khẳng định với cổ đông sẽ thoái vốn khỏi các dự án bất động sản để đầu tư trọng tâm cho hoạt động cốt lõi của tập đoàn là xây dựng. Song song đó, công ty cũng đang rút khỏi những lĩnh vực không liên quan đến mảng kinh doanh chính.