Căn hộ chung cư đua nhau đòi tăng giá, người mua "chóng mặt"
(Dân trí) - Cứ ngỡ sau Covid-19 giá nhà sẽ hạ nhiệt, nhiều người cảm thấy mệt mỏi vì giá cả thực tế lại tăng chóng mặt so với mức thu nhập, ngay cả đối với phân khúc căn hộ cũ.
Căn hộ cũ đua nhau đòi tăng giá
Chị Hương (Hà Đông, Hà Nội) có kế hoạch mua một căn hộ chung cư với tài chính từ 2-2,5 tỷ đồng từ đầu năm 2020, khi Covid-19 chưa ập đến. Tuy nhiên đại dịch khiến nguồn thu từ công việc của chị giảm sút cộng thêm những khó khăn về đi lại nên chị Hương quyết định dời ý định mua nhà hết lần này sang lần khác.
Đầu tháng 9 vừa qua chị rục rịch tìm hiểu mua trở lại thì choáng váng vì hầu hết các dự án chị hỏi mua trước đây, từ mới đến cũ, đều đã thiết lập mặt bằng mới.
Đơn cử, giá một căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích 72 m2 ở chung cư Season Avenue, với cùng hướng và trục, đã lên 2,7 tỷ đồng thay vì mức 2,5-2,6 tỷ đồng như trước đó. Cá biệt, có căn, chủ nhà còn đòi tăng giá tới 300 triệu đồng.
Tương tự, giá căn 2 ngủ ở chung cư Roman Plaza có giá 2,3 - 2,4 tỷ đồng, cao hơn thời điểm năm ngoái khoảng 100 - 200 triệu đồng. Tại dự án Lacasta, mặt bằng giá mới cũng đã thiết lập cao hơn mức cũ khoảng 5-10%.
Không riêng gì khu vực Hà Đông, tại dự án chung cư bình dân ở khu vực Linh Đàm, các căn hộ cũng đều có mặt bằng giá mới sau 2 năm Covid-19. Nếu hồi tháng 5, tháng 6 năm 2020, giá các căn hộ này rao bán chỉ khoảng 1,6 - 1,65 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ diện tích khoảng 57 m2 thì nay mức giá đã tăng thêm ít nhất khoảng 100 triệu đồng/căn.
Không chỉ với các dự án thương mại, một số dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, cũng được rao bán với mức giá tăng mạnh so với ban đầu. Nhiều dự án được rao bán lên tới 26 triệu đồng/m2, tùy diện tích và vị trí căn hộ.
Một nhân viên môi giới bất động sản khu vực này lý giải, hầu hết các dự án chung cư cũ có mức giá tăng so với đầu năm. Nhu cầu mua căn hộ phân khúc tầm giá khoảng 1,5 - 2,5 tỷ đồng rất lớn. Với các dự án mới, rất khó để có mức giá này, do vậy nhu cầu tìm mua căn hộ cũ tăng cao.
Đại diện Batdongsan.com.vn cho biết, mức độ quan tâm tới bất động sản trong tháng 10 năm nay tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ tháng trước ở hầu hết các loại hình, trong đó, căn hộ chung cư tăng 57%. Điều này cho thấy nhu cầu mua nhà đang rất lớn.
Riêng tại khu vực Hà Nội, đến tháng 10, thị trường này tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng (tăng 48%) về mức độ quan tâm bất động sản so với cùng kỳ tháng trước; trong đó, tăng rất mạnh là căn hộ chung cư với 55%. Chỉ số giá chung cư tại thị trường Hà Nội 10 tháng đầu năm nay cũng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Người mua hụt hẫng, ngỡ sau Covid-19 giá sẽ giảm
Chị Hương tâm sự, cứ ngỡ sau Covid-19 giá nhà sẽ hạ nhiệt, ai dè giá cả tăng chóng mặt so với mức thu nhập của vợ chồng chị. "Suốt 2 tháng qua tìm kiếm mà không mua nổi, đã tăng giá lại còn khó mua vì cũng không có nhiều lựa chọn, giờ lấy đâu mấy trăm triệu để bỏ thêm vào mua nhà?", chị Hương buồn rầu chia sẻ.
Thủy - một môi giới chuyên mảng chuyển nhượng chung cư - cho biết, nhiều khách hàng đắn đo khi ra quyết định mua căn hộ hồi năm ngoái. "Rất nhiều vị khách còn khăng khăng giá rồi sẽ giảm sau một thời gian ngấm đòn Covid-19, nhưng thực tế lại ngược lại", Thủy cho biết, giá tăng khiến cung - cầu khó gặp nhau, môi giới ở giữa "khó xử", giao dịch chậm lại.
Theo lý giải của các chuyên gia, nguồn cung căn hộ thấp, đi kèm với đó là chất lượng phát triển cải thiện, cơ sở hạ tầng nâng cấp cùng với việc giá thép tăng gần đây đã dẫn đến giá bán căn hộ sơ cấp liên tục tăng. Điều này dẫn đến việc tăng giá các căn hộ cũ khi người mua không có nhiều lựa chọn cho các dự án mới.
Trong vòng 5 năm qua, giá trung bình thứ cấp (mua đi bán lại) tăng trung bình 7%/năm. Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội, cho biết, trong điều kiện Covid-19 như hiện nay, về lý thì giá sẽ có sự sụt giảm nhưng thực tế giá nhà ở Hà Nội vẫn tăng. Điều này không riêng gì ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới sau Covid-19 cũng nằm trong xu hướng tăng giá.
Việc tăng giá căn hộ đang gây áp lực rất lớn đến khả năng tiếp cận của đại đa số tầng lớp người dân, đặc biệt những người có mức thu nhập trung bình, thấp. Trong khi thị trường đang đầy rẫy những căn nhà có giá vài chục tỷ đồng để không, khó hấp thụ thì phân khúc dành cho nhóm nhà ở có nhu cầu thật rất lớn tại các đô thị lại có nguồn cung ít ỏi.
Dịch bệnh vừa qua khiến hàng triệu lượt người lao động ở các thành phố lớn buộc phải hồi hương. Một phần nguyên nhân lớn là do họ không chịu nổi không gian chật hẹp, bí bách ở nhà trọ. Vấn đề nhà ở cho những người thu nhập thấp lại càng đặt ra cấp bách hơn trong đại dịch.