Nhà đầu tư sẵn tiền chực chờ thị trường bất động sản tạo đáy
(Dân trí) - Không ít nhà đầu tư có sẵn tiền mặt nhưng đang quan sát thị trường, chờ cơ hội "bắt đáy" bất động sản trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
Nhà đầu tư "bắt đáy"
Anh Nguyễn Văn Thái - một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội - cho biết, nhiều tháng qua, anh luôn dành thời gian theo dõi diễn biến của thị trường. Dù thấy có nhiều sản phẩm cắt lỗ nhưng anh nhận định đây vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để "xuống tiền".
"Tôi đã đi xem các sản phẩm bất động sản cắt lỗ, nhưng đều không nhìn ra cơ hội đầu tư. Có những lô đất giảm tới 50% nhưng vị trí lại xấu, khó có tiềm năng tăng giá. Một số sản phẩm cắt lỗ 20-30%, nhưng giá vẫn ở mức cao so với giá trị thực", anh Thái nói.
Cũng giống như anh Thái, nhóm đầu tư của chị Nguyễn Thị Hạnh ở Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng tài chính, nhưng chưa tham gia vào thị trường lúc này. Chị Hạnh cho biết, giá cắt lỗ của nhiều sản phẩm bất động sản chưa về sát với giá trị thực sau 2 năm tăng nhanh.
"Một căn liền kề ở Hoàng Mai, năm 2019 có giá 7 tỷ đồng, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên tới 14 tỷ đồng. Hiện tại, chủ căn liền kề này đang rao bán cắt lỗ với giá 11 tỷ đồng", chị Hạnh dẫn chứng.
Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, ngoài việc giá bất động sản vẫn ở mức cao, người mua cần thận trọng hơn các vấn đề về tài chính ở thời điểm hiện tại. "Nếu có tiền thực, nhà đầu tư sẽ bớt rủi ro. Nhưng nếu phải sử dụng đòn bẩy tài chính, nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ", chị Hạnh nói.
Theo một vị giám đốc doanh nghiệp địa ốc nhìn nhận, tâm lý khách hàng không còn hào hứng như trước do diễn biến và thông tin trên thị trường, họ đang có tâm lý chờ đợi và nghe ngóng nhiều hơn. Một số khách hàng có tâm lý chờ thêm thời gian để bắt đáy bất động sản, tuy nhiên đây là giai đoạn lửa thử vàng của bất động sản.
Còn theo báo cáo thị trường bất động sản quý I năm nay của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy, thị trường vẫn có diễn biến trầm lắng. Những chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cũng như vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, khiến các thành viên của thị trường rơi vào trạng thái chờ đợi.
Đáng chú ý, do khó khăn kéo dài nhiều tháng, không ít chủ đầu tư đã hoãn lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch. Doanh nghiệp thì chờ đợi tín hiệu từ thị trường, nhà đầu tư cá nhân chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc...
Giá bất động sản khó giảm
Chia sẻ về giá bán các phân khúc bất động sản trong hội thảo bàn về câu chuyện gỡ vướng, thúc đẩy tăng trưởng mới đây, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc R&D DKRA Việt Nam - cho biết, hiện nay, giá bán thứ cấp đã sụt giảm ở hầu hết phân khúc như đất nền, biệt thự... Thậm chí, có nhiều dự án ở TPHCM và khu vực phía Nam giảm đến 40-45% ở cả thị trường thứ cấp và sơ cấp. Song, mức thanh khoản vẫn rất thấp.
Theo ông Thắng, hiện nay người mua đang có tâm lý chờ thị trường tạo đáy và thiếu tự tin khi xuống tiền. Chưa kể, nhiều người cũng mất niềm tin ở thị trường, đặc biệt là tính pháp lý của các dự án. Ngoài ra, nhiều khách hàng còn chần chừ trong quyết định vay mua bất động sản do lãi suất dù giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân khiến giá bất động sản ngày càng leo thang, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết, vẫn có trường hợp chủ đầu tư dùng "thủ thuật", làm giá. Tuy nhiên, với cơ chế như hiện nay, chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi thời gian chờ cấp phép, thủ tục thực hiện dự án mất nhiều thời gian.
"Nhiều dự án với mức đầu tư lên đến vài trăm tỷ đồng nhưng phải chờ đợi 5-8 năm đồng thời phải chịu lãi suất ngân hàng, chưa kể, nhiều chi phí vô hình khác", ông Hiệp nói .
Ngoài ra, theo ông Hiệp, chi phí đầu vào quyết định sản phẩm là giá đất, nhưng hiện nay giá đất đang theo xu hướng sát với thị trường, tức ngày càng cao. Các cơ quan soạn thảo luật cần xem xét vấn đề này vì giá đất Việt Nam đang tiến tới cao nhất khu vực.
Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng cũng tăng lên rất cao, có thời điểm như năm 2020-2021, giá thép tăng tới 40%. Do đó, giá bất động sản buộc phải tăng lên theo. Đây là những yếu tố cần xem xét khi nói về giá bất động sản.